In dấu lịch sử
Từ TP.Thủ Dầu Một tới đoạn cây xăng Tân Hiệp rẽ trái thêm khoảng 600m là tới miếu Ông. Miếu Ông tọa lạc trên địa bàn khu phố Tân Long, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên, nằm cạnh con suối Tân Long chảy về Chiến khu Đ. Đây là điều kiện thuận lợi để các chiến sĩ trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh hoạt động cách mạng trong những năm tháng kháng chiến.
Theo tài liệu ghi lại, miếu Ông được người dân xây dựng vào năm 1735 để làm nơi chiêm bái, cúng kiếng, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an. Miếu Ông được chọn là nơi để trao đổi thông tin, nắm tình hình địch từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, đến thời kháng chiến chống Mỹ (cụ thể vào năm 1961), tổ chức trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh mới chính thức chọn và bố trí hòm thư chết, cán bộ, trang thiết bị, hầm bí mật tại miếu Ông để hoạt động.
Bình Dương được xác định là cửa ngõ tiến vào Sài Gòn - cơ quan đầu não của địch, là nơi có thể nắm bắt nhanh các thông tin, các hoạt động của địch. Với vị trí chiến lược quan trọng này, tổ chức trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh đã quyết định chọn miếu Ông làm căn cứ của tổ chức, vì ở vị trí này tổ chức có thể hoạt động tốt nhất về mặt địa hình: Miếu ông, hầm bí mật, gần dân, gần địch, có rừng yểm trợ, dễ dàng kết nối và truyền tin nhanh đến với tổ chức…
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tổ chức trinh sát, quân báo, biệt động đã góp phần cùng với lực lượng vũ trang tỉnh thực hiện nhiều trận đánh táo bạo, gây nhiều thiệt hại cho địch; đặc biệt là trận đánh phục kích đoàn xe vận chuyển lực lượng của địch trên Quốc lộ 13, đốt cháy nhiều xe, nhiều tên địch chết tại chỗ ở khu vực Truông Thơm, xã Tân Định, Bến Cát… Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hoạt động và những đóng góp của lực lượng trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh đã góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau thời gian theo dõi nắm chắc được quy luật hoạt động của địch, ngày 10-2-1965, Đội biệt động TX.Thủ Dầu Một đã phối hợp với đơn vị đặc công huyện Bến Cát tổ chức tập kích Nhà việc Phú Cường (trụ sở làm việc của bộ máy chính quyền địch ở thị xã) và Ty Thông tin ngụy (cách Nhà việc Phú Cường khoảng 300m về phía đông nam). Chỉ trong 10 phút chiến đấu, lực lượng biệt động TX.Thủ Dầu Một và đặc công huyện Bến Cát đã đánh sập một góc Nhà việc Phú Cường (có 2 tầng) và Ty Thông tin, loại khỏi vòng chiến đấu 92 tên (có 50 tên bình định, 25 tên công an và 17 tên lính dân vệ). Trung đội dân vệ gác Ty Thông tin chỉ còn 4 tên chạy thoát.
Từ giữa năm 1972, lực lượng trinh sát, quân báo, biệt động Thủ Dầu Một giữ vững tổ chức, hoạt động chiến đấu cho đến ngày 30-4-1975. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tại căn cứ, cán bộ trinh sát, quân báo, biệt động Thủ Dầu Một đã kết hợp chiến đấu đánh chiếm các mục tiêu và phát động quần chúng nổi dậy giải phóng tỉnh lỵ. Vào lúc 9 giờ 40 phút ngày 30-4-1975 trên đường chạy tẩu thoát về Sài Gòn, Nguyễn Văn Của (Tỉnh trưởng Thủ Dầu Một) cùng tên Đại tá Phó Tư lệnh Sư đoàn 5 bộ binh và một số sĩ quan tùy tùng đã bị các trinh sát, quân báo, biệt động Thủ Dầu Một chặn bắt tại Phú Văn. Cửa ngõ vào Sài Gòn đã được thông mở, tạo điều kiện cho các cánh quân của quân giải phóng tiến về giải phóng Sài Gòn, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.
Địa chỉ về nguồn ý nghĩa
Năm 2013, Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương đã được xây dựng ngay trên mảnh đất là khu căn cứ của đơn vị trong thời kỳ chiến tranh. Đền là nơi thờ tự 122 chiến sĩ trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ và là nơi họp mặt ngày truyền thống hàng năm của những người là cựu trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh năm xưa; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ thanh thiếu niên hôm nay và mai sau.
Đền có tổng diện tích hơn 1.000m2, bao gồm sân đền, đền thờ và phòng truyền thống. Trong chánh điện đền thờ ảnh Bác Hồ, hai bên thờ ảnh của các anh hùng liệt sĩ trinh sát, quân báo, biệt động đã hy sinh trong chiến tranh. Bên phải của đền là miếu Ông. Bên trái của đền là mương nước với độ sâu 5m, hẹp, kéo dài từ ngoài đường dẫn vào trong rừng, xuống ruộng - đây cũng chính là con đường vận chuyển vũ khí, đạn dược và lương thực cung cấp cho vùng Chiến khu Đ. Phía sau đền là hội trường được xây dựng vào năm 2013, là nơi sinh hoạt của Ban Liên lạc trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương. Bên góc phải của hội trường là 2 căn hầm bí mật, là nơi hoạt động của đơn vị trong thời gian chiến tranh. 2 căn hầm này được thiết kế thông vào rừng, ra ruộng phòng hờ khi địch phát hiện. Tuy nhiên, đến nay, 2 căn hầm bí mật đã bị sập, chỉ còn nhìn thấy miệng hầm.
Đến với miếu Ông, bên cạnh việc tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tham quan gốc cây điệp vàng - hòm thư chết, chúng ta còn được nhìn thấy những tư liệu hiện vật như khăn thêu của nữ biệt động Lê Thị Đắc - thêu trong thời gian bà bị giam giữ tại Nhà tù Phú Lợi, bản đồ chiến đấu, thắt lưng của Mỹ… và nhiều hiện vật khác gắn liền với công tác trinh sát, quân báo, biệt động trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ kháng chiến. 45 năm sau ngày đất nước thống nhất, vùng đất Tân Uyên nay đã khoác màu áo mới, đang trên đường phát triển đi lên từng ngày. Ẩn mình trong dòng chảy của sự phát triển đó là những chứng tích hào hùng của các thế hệ cha ông trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, miếu Ông - nơi hoạt động trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh đã trở thành nơi tìm đến để học tập truyền thống của thế hệ trẻ và cũng là nơi tìm về của những chiến sĩ trinh sát, quân báo, biệt động Bình Dương mỗi khi nhớ về những người đồng đội năm xưa.
Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương - nơi ghi dấu những chiến công anh dũng của thế hệ cha ông cùng những câu chuyện lịch sử hào hùng, các tư liệu, hiện vật cùng với sự hiện diện của các nhân chứng sống là các cán bộ quân báo năm xưa là trường học lớn giáo dục về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Từ đó, thế hệ trẻ hôm nay ra sức phấn đấu học tập, làm việc, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha ông.