Trong căn nhà khang trang của mình, ông Phong cho biết năm 1965 ông tham gia du kích xã Tân Bình, Dĩ An. Một năm sau ông công tác ở tổ quân dân y Dĩ An. Vào thời ấy tuy còn nhỏ tuổi, nhưng ông tham gia nhiều trận đánh lớn, vừa làm nhiệm vụ cứu thương cho đồng đội. Ngày thì đào hầm trú ẩn, chữa trị cho người bị thương. Đêm đến, ông cùng anh em trong tổ đi tát đìa, bắt ốc để kiếm thêm cái ăn cho các thương binh. Đến năm 1968, tổ của ông bị địch đánh sập hầm bí mật, ông bị bắt đưa ra ở tù tại Phú Quốc. Đến năm 1973, ông được trao trả về miền Bắc. Mặc dù cánh tay trái bị thương khá nặng, ông vẫn nhiều lần xin vào Nam cầm súng chiến đấu nhưng không được cấp trên đồng ý. Sau giải phóng, ông được bầu làm Chánh Văn phòng Huyện ủy Dĩ An, sau đó kiêm nhiều công việc khác.
Ông Phong cho biết những ngày sau giải phóng, kinh tế đất nước khó khăn, nên những cán bộ có chức như ông vẫn chỉ nhận được đồng lương ít ỏi. Để có tiền nuôi con ăn học, ông phải “chiến đấu” suốt ngày đêm. “Lúc đó tôi mơ có đôi bò để cày đất, nhưng khó lắm, cả huyện chỉ được vài gia đình có bò. Thôi mình không có bò thì dùng sức, vậy là ngày đi làm việc cơ quan, tối về xách cuốc ra đồng đào đất lật cỏ đến tận khuya. Tôi cứ miệt mài như thế, hết mảnh đất này đến mảnh đất khác để trồng cây trái. Không chỉ kiếm đủ cái ăn, mà ông còn trồng được nhiều rau màu để bán ra chợ, sở hữu được nhiều đất cát sau này”, ông Phong nói.
Cách đây hơn 5 năm, khi bất động sản có giá, ông bán bớt đất cho con cái làm vốn kinh doanh. Và khi trong tay có ít tiền, ông là người khởi xướng cho bà con trong khu phố góp tiền làm đường giao thông nông thôn. Ông Phong cho biết: “Trước nhà tôi là đường Bà Huyện Thanh Quan, dài khoảng 2km. Ngày đó đường đất, bà con đi lại khó khăn, dơ bẩn. Sau nhiều lần họp bàn, chúng tôi thống nhất đổ mặt đường bê tông rộng 4m, tổng cộng khoảng 3 tỷ đồng. Tôi tự nguyện đóng góp 1,5 tỷ đồng, số tiền còn lại các hộ dân trong khu phố đóng góp”. Nhờ sự mạnh tay đóng góp của ông mà cả khu phố có đường thông thoáng, điện chiếu sáng, đi lại thuận tiện. Bên cạnh đó, ông thường xuyên tặng quà tết cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố, giúp đỡ cho bà con mỗi khi gặp khó, ốm đau. Cho bạn thời chiến vay tiền để làm vốn kinh doanh, vượt nghèo.
Hàng chục năm nay, bản thân ông không ngại khó, ngại khổ làm việc quần quật để xây dựng kinh tế gia đình, nuôi con ăn học mà còn kiêm luôn người “bảo vệ” khu phố trong việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Sáng đi thể dục hay chiều đến, ông rảo bộ trên tuyến đường mà phát hiện gia đình nào bỏ rác không đúng nơi quy định hay đổ nước thải bừa bãi ra đường là bị ông nhắc nhở ngay. Gia đình nào trong khu phố không hòa thuận, ông kiêm luôn việc hòa giải. Không có tiền đóng học phí cho con, ông giúp luôn… Cũng vì thế, khu phố Nội Hóa 1 nơi ông sống luôn hòa thuận tình làng nghĩa xóm, không xảy ra trộm cắp, mất an ninh trật tự. Nhiều năm liền, cả khu phố đạt thành tích cao trong việc xây dựng khu phố xanh, xạch, đẹp…
Những việc làm thiết thực của ông Lê Đức Phong cũng đúng như lời ông nói: Thời bình cũng phải “chiến đấu”.