Sau khi Mỹ rút, quân đội Sài Gòn bố trí quân số phòng thủ cứ điểm này rất nghiêm ngặt. Ngoài lực lượng đồn trú khoảng 150 lính bảo an, địch thường xuyên tung thám báo, biệt kích dù lùng sục các hang động, khe suối trên núi, dùng pháo binh ở Trảng Lớn, Tiểu khu Tây Ninh, Gò Dầu, Trảng Bàng và dùng máy bay bắn phá để ngăn chặn Quân Giải phóng. Xóa sổ cứ điểm này, “bịt tai mắt” của địch sẽ mở rộng được vùng kiểm soát của ta, mở rộng hành lang chiến lược ở hướng Bắc và Tây Bắc Sài Gòn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quân sự tiếp theo. Nghi binh đánh lạc hướng nhận định của địch để chủ lực ta mở chiến dịch trên hướng chủ yếu, đánh chiếm Phước Long.
Ông Trần Xiêm, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 47 nhớ lại: “Chỉ đạo trận đánh là Bộ Tham mưu Miền, lực lượng trực tiếp chiến đấu giải phóng núi Bà Đen thuộc Phòng Quân báo Miền (nay là Phòng Quân báo Quân khu 7) bao gồm: Tiểu đoàn 47, Liên đội 7. Tại thời điểm đó, quân số Tiểu đoàn 47 có ba đại đội (Đại đội 3, Đại đội 6 và Đại đội thông tin), Liên đội 7 có quân số ít hơn một đại đội. Phòng Quân báo Miền tăng cường thêm một trung đội thông tin hữu tuyến (A13), một đội trinh sát kỹ thuật (Đoàn 21) và một trạm phẫu thuật dã chiến. Bộ Tham mưu Miền tăng cường cho đơn vị một Phân đội Đặc công, một Đại đội súng phòng không 12ly7 và các phân đội tên lửa cá nhân”.
Cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 47 và Liên đội 7 thời điểm đó được tuyển chọn, bổ sung từ nhiều nguồn. Trong đó, chủ yếu từ các đơn vị Trinh sát, Đặc công Miền, từ Tiểu đoàn 74 Trinh sát thuộc Cục 2 (nay là Tổng cục 2) và Sư đoàn 305 Đặc công. Phương án tác chiến cho trận đánh này là dùng chiến thuật đặc công, luồn sâu, áp sát, đồng loạt nổ súng.
Đêm mùng 6 rạng sáng 7-12-1974, các mũi tiến công bí mật leo núi tiếp cận lớp hàng rào ngoài cùng của cứ điểm. Từng tổ trinh sát, đặc công lặng lẽ trườn mình dưới các lớp hàng rào kẽm gai dày đặc mìn đủ loại, vượt qua những tảng đá dựng đứng để tiến lên cứ điểm. Trinh sát Nguyễn Trung Dung, gan dạ nổi tiếng, đã nhiều lần ra vào đồn địch điều nghiên kể lại: “Chúng tôi phải vượt qua năm lớp hàng rào. Vòng ngoài là bốn lớp hàng rào bùng nhùng, địch gài rất nhiều mìn và treo nhiều vỏ lon đồ hộp. Trong cùng sát lô cốt là hàng rào chống B40 rất cao”. Trinh sát Trần Mạnh Lạc nhớ mãi đêm ra trận, anh nói: “Địa hình hiểm trở chia cắt. Ở dưới khe đá, len lỏi giữa các tảng đá lớn là những vòng hàng rào bùng nhùng chồng chất lên nhau không theo hàng lối, lớp lang nào. Đủ loại mìn, loại vướng nổ, loại đạp nổ, loại chạm nổ...”.
Theo phương án, khi các mũi tiến công vào tới lớp hàng rào trong cùng (cách lô cốt địch chừng 15-30m) sẽ có hiệu lệnh cho toàn trận địa nổ súng tiêu diệt địch ở các mục tiêu đã phân công. Tuy nhiên, một sự cố bất lợi đã xảy ra. Khi các mũi chưa vào được vị trí chờ lệnh nổ súng, bộ phận dò gỡ mìn đang làm nhiệm vụ trong hàng rào thì một trái mìn phát nổ. Tiếng mìn giữa đêm khuya phá tan không khí im lặng. Địch trên các chòi canh quét đèn pha sáng rực xung quanh cứ điểm. Phát hiện bộ đội đột nhập, lính canh la lớn “Việt cộng đang trong hàng rào, bắn đi, chặn chúng lại…”
Địch trên các lô cốt bắn và ném lựu đạn cấp tập xuống hàng rào. Sau đó ít phút, các trận địa pháo của địch ở địa bàn Tây Ninh bắn dồn dập vào đội hình quân ta. Cả trận địa sáng lòa lửa đạn. Bộ đội đang nằm trong hàng rào không có công sự che chắn vô cùng bất lợi.
Tiếng mìn nổ đã làm mất hẳn yếu tố bí mật, bất ngờ. Anh em choáng váng, chẳng khác nào như trái bóng đá phản lưới nhà ngay khi trận đấu vừa bắt đầu. Các mũi tiến công của ta đồng loạt nổ súng. Hỏa lực B40, B41 bắn trước, tiếp theo súng đại liên bắn ghìm đầu địch xuống để bộ đội xung phong. Địch trong các lô cốt tận dụng ưu thế trên cao, công sự kiên cố, vũ khí nhiều, bắn xối xả và ném lựu đạn tới tấp về hướng quân ta.
(Còn nữa)