Sứ mệnh lịch sử
Để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, tháng 5-1945, Bác Hồ đưa Bộ Tham mưu mở con đường “Nam tiến” từ Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng về Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang - thủ đô giải phóng. Ngày nay, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào với những địa danh quen thuộc: Đình Hồng Thái, lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào rất đỗi thân quen với bao người con đất Việt.
Chúng tôi đến với Tân Trào trong những ngày gần cuối năm trong tiết trời Việt Bắc cuối thu mát mẻ. Theo chân nữ hướng dẫn viên Lò Thị Tâm, một người con của quê hương cách mạng, chúng tôi được giới thiệu chi tiết về từng điểm di tích trong quần thể khu di tích. Mỗi bước chân đi, vẳng lên trong chúng tôi là những câu thơ trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu, vốn đã thuộc nằm lòng từ thuở còn cắp sách đến trường: “Mình về, còn nhớ núi non/ Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh/ Mình đi, mình có nhớ mình/ Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?”.
Nơi đây, khi từ Pắc Bó về Tân Trào, Bác Hồ ở và làm việc tại lán Nà Nưa trong những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Tại lán này, Bác Hồ triệu tập hội nghị cán bộ ngày 4-6-1945 quyết định thống nhất các chiến khu thành Khu giải phóng, thống nhất các LLVT thành Quân giải phóng. Ngày 15-5-1945, tại ngôi đình Làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và các LLVT trong cả nước, đổi tên thành Giải phóng quân - lực lượng quân sự chính của Việt Minh để giành chính quyền năm 1945.
Cũng tại lán Nà Nưa, Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập”. Nơi đây, sáng ngày 16-8-1945, trong không khí hết sức khẩn trương, hào hùng, Quốc dân Đại hội khai mạc tại đình Tân Trào với 60 đại biểu tham dự. Đại hội thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, quyết định toàn dân đứng lên võ trang khởi nghĩa giành chính quyền, bỏ phiếu kín bầu Ủy ban dân tộc giải phóng gồm 10 vị và lãnh tụ Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch. Nửa đêm 16-8-1945, dưới bóng cây đa Tân Trào, thi hành mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, Quân giải phóng cử hành lễ xuất quân. Đoàn quân đứng thành hai hàng dọc từ cây đa đến cây si, trước mặt là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh bay phất phới, các đại biểu dự Quốc dân Đại hội và nhân dân địa phương đến tham dự tiễn đưa bộ đội đi chiến đấu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa đọc bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân. Khi lễ xuất quân vừa dứt, Quân giải phóng rầm rộ lên đường vượt đèo De, qua núi Hồng tiến sang Thái Nguyên để từ đây tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội đúng ngày 19-8- 1945, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
Vai trò chiến lược
Từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 năm 1941, để sử dụng hiệu quả LLVT trong tổng khởi nghĩa, Đảng ta và Bác Hồ đã quyết định: Xây dựng các LLVT cách mạng, tổ chức các đội tự vệ, tiểu đội du kích cứu quốc, du kích chính thức, thành lập các căn cứ địa cách mạng. Nhiều đội du kích được thành lập cùng với các LLVT rộng rãi của quần chúng trong các đoàn thể cứu quốc như: Đội du kích Bắc Sơn, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân... Khi tổng khởi nghĩa nổ ra, Ủy ban khởi nghĩa các địa phương đã sử dụng triệt để sức mạnh quân sự của các đơn vịgiải phóng quân, du kích quân…, nhanh chóng từ căn cứ địa và các địa phương tiến gấp về các trung tâm đầu não địch, vô hiệu hóa lực lượng chống đối, mở đường cho quần chúng xông lên lật đổ ngụy quyền, thành lập chính quyền mới của nhân dân ở các huyện, phủ, tỉnh lỵ. Trong những hoàn cảnh cụ thể, LLVT còn trực tiếp tiêu diệt địch, xóa bỏ chính quyền của chúng và thành lập chính quyền cách mạng.
Ngay sau lễ xuất quân tại Tân Trào, một đơn vị chủ lực Giải phóng quân từ Tân Trào tiến về Thái Nguyên đánh địch, phối hợp với quần chúng lập chính quyền cách mạng ở đây, sau đó tiến thẳng về Hà Nội. Các đơn vị Giải phóng quân Cao Bằng tiến đánh thị xã Cao Bằng và HàGiang. Các đơn vị Giải phóng quân Bắc Kạn tiến đánh thị xã Bắc Kạn. Tại miền Trung, từ Chiến khu Vinh Sơn (Quảng Ngãi), đại đội du kích Phan Đình Phùng chia thành các cánh quân tỏa đi đánh chiếm các đồn và giải phóng các huyện: Di Lăng, Sơn Hà, Bình Sơn, Sơn Tịnh; từ Chiến khu Núi Lớn, đại đội du kích Hoàng Hoa Thám tiến đánh đồn Ba Tơ, Minh Long, giải phóng các huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, sau đó cả hai đại đội du kích cùng tiến về chiếm tỉnh lỵ. Tại Nam bộ, các đội tự vệ, đội xung phong phát triển nhanh chóng ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc… với tinh thần “Nam kỳ khởi nghĩa”, các đơn vị vũ trang địa phương hỗ trợ tích cực cho lực lượng chính trị quần chúng tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền tại Sài Gòn và các tỉnh, huyện khắp miền Nam.
Tại Hà Nội, sáng 19-8, các đội tự vệ nội thành, ngoại thành được trang bị vũ khí, giương cao cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ cách mạng rầm tập tiến về Nhà hát Lớn. LLVT tổ chức thành hai khối tỏa đi đánh chiếm các cơ quan trọng yếu của địch. Tối 19- 8-1945, các cơ quan quan trọng của triều đình Bảo Đại tại Hà Nội đã về tay cách mạng. Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa của cả nước - đã hoàn toàn thắng lợi.
Như vậy, đội quân cách mạng dù chưa tròn 1 tuổi, với trang bị thiếu thốn cùng nhân dân vùng lên giành chính quyền về tay cách mạng. Nói về vai trò hỗ trợ to lớn của LLVT trong tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Ngay khi cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra thì trong cao trào nổi dậy của quần chúng ở một số địa phương cũng đã xảy ra những cuộc chiến đấu vũ trang giữa Quân đội cách mạng và quân đội phản động. Cho nên, lực lượng chủ yếu trong khởi nghĩa là lực lượng chính trị của quần chúng được vũ trang rộng rãi; nhưng có đội quân cách mạng làm chỗ dựa thì phong trào nổi dậy của quần chúng càng có sự hỗ trợ và cổ vũ đắc lực hơn, khởi nghĩa càng có thêm điều kiện thắng lợi”. (còn tiếp)