Ngày 23/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh thành trên cả nước.
Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII có một số cách tiếp cận mới như: Phát triển nguồn điện ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước, bao gồm cả nhu cầu công suất nguồn điện cho mua bán điện trực tiếp (DPPA), đồng thời xét đến nhu cầu xuất khẩu điện và sản xuất năng lượng mới.
Phát triển hợp lý các nguồn nhiệt điện, đưa điện hạt nhân có công nghệ tiên tiến, bảo đảm an toàn trở thành nguồn điện nền quan trọng, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Đề án cũng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực, bao gồm cả đầu tư lưới điện truyền tải, trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện theo cơ chế thị trường về giá mua bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên và đáp ứng yêu cầu phát triển của từng vùng, miền.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Ảnh: VGP
Bộ Công Thương kiến nghị cần sớm xây dựng danh mục các dự án khẩn cấp giai đoạn 2026-2030 và cơ chế kèm theo để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án này; ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và nguồn điện gió, đặc biệt là ở miền Bắc.
Cùng với đó, cần xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về giá điện như giá điện hai thành phần đối với cả phía các hộ tiêu thụ điện và phía các nguồn điện; giá dịch vụ phụ trợ; có chế tài đối với những dự án chậm tiến độ.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đều nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, đồng thời nêu kiến nghị, đề xuất nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có, nhất là điện mặt trời, điện gió, điện khí LNG, điện rác… nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Nhiều địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng dự báo nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao do đang xây dựng các dự án khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm dữ liệu. Tỉnh Lâm Đồng cũng có mong muốn trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về năng lượng nguyên tử.
Phản hồi về các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh nguyên tắc phát triển các nguồn điện trong từng thời kỳ phải bảo đảm cân đối giữa các nguồn điện trong toàn hệ thống, đáp ứng nhu cầu phụ tải trong phạm vi cả nước, cân đối vùng miền, và cân đối giá điện.
Các dự án đã có trong Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện đúng theo quy hoạch, khi phê duyệt dự án nào thì có phương án đấu nối rõ ràng với dự án đó.
Đối với năng lượng tái tạo, địa phương nào có tiềm năng và chứng minh được có nhà đầu tư và khách hàng mua điện trực tiếp, Bộ Công Thương ủng hộ địa phương đó đầu tư phát triển loại dự án này.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải bảo đảm khả thi
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nêu rõ việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được thực hiện trên cơ sở đất nước đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030; tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; tình hình địa chính trị quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến giá điện…
Phó Thủ tướng lưu ý cần ưu tiên phát triển các nguồn điện có thời gian xây dựng nhanh để đưa vào sử dụng, đồng thời tính toán phát triển nguồn linh hoạt khác, hệ thống pin lưu trữ, nhập khẩu điện theo hướng mở nhằm bảo đảm cao nhất an ninh năng lượng quốc gia, nhất là các tỉnh phía bắc - nơi nhu cầu điện tăng rất nhanh như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, đều ghi nhận mức tăng trên 11%.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh, hoặc tham mưu cho các cấp thẩm quyền điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển các dự án, công trình điện trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Do nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện rất lớn, trung bình khoảng 27 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải có các giải pháp đột phá để huy động vốn đầu tư.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng và thực hiện Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII điều chỉnh; rà soát, kịp thời thời điều chỉnh phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch của tỉnh để bảo đảm đồng bộ với nội dung Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.
Các địa phương cần chủ động, tích cực triển khai các dự án, công trình điện lực đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII; bảo đảm thực thi đầy đủ, đúng trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, đặc biệt là các công trình, dự án trong danh mục công trình điện khẩn cấp. UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình triển khai công trình, dự án trên địa bàn, đảm bảo tiến độ thời gian, kể cả giải phóng mặt bằng.
Thúy Hà