LLVT thành phố Hồ Chí Minh không ngừng trưởng thành và phát triển.
Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, tháng 9-1969, Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định mở hội nghị cán bộ quán triệt và thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”, góp phần nâng cao tinh thần cách mạng tiến công, phẩm chất chính trị, khí phách anh hùng của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ toàn thành phố. Di chúc của Người thực sự thấm nhuần trong Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, là động lực chính trị, tinh thần to lớn, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong cuộc chiến tranh giữ nước ấy, Sài Gòn trở thành điểm hẹn lịch sử, Bắc-Nam sum họp một nhà, nơi hội ngộ trùng phùng của những người ra đi và trở về với nước mắt, nụ cười trong ngày vui toàn thắng. Sài Gòn không được đón Bác vô thăm, nhưng vinh dự được mang tên Người, trở thành niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
10 năm đầu sau ngày giải phóng, cùng với cả nước, TP Hồ Chí Minh phải đối đầu với những khó khăn hết sức gay gắt, kinh tế kiệt quệ, nhất là nạn đói đe dọa và nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh. Thế nhưng, kiên định thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Ngay trong thời kỳ gian khó, từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào viện trợ, yếu kém, què quặt, hơn 100.000 ha đất nằm trong vùng vành đai trắng bị hoang hóa, Thành ủy thành phố vừa tập trung lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, vừa đôn đáo “chạy gạo”, chăm lo đời sống cho hơn 3 triệu dân; đồng thời tìm mọi cách “cởi trói” sức sản xuất xã hội. Thành phố đã có những bước đột phá, chiến thắng những trở lực của cơ chế tập trung bao cấp, làm sáng tỏ dần đường đi và cách làm mới, tư duy mới. Với sự năng động, sáng tạo, người dân thành phố không chỉ tự cứu mình mà còn góp phần xây dựng đường lối đổi mới, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung bao cấp sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đó thực sự là một quá trình nỗ lực vượt bậc để thực hiện điều Bác căn dặn trong Di chúc: “Đầu tiên là công việc đối với con người”, là đổi mới, sáng tạo vì lợi ích Nhân dân.
Với mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh ngày càng giàu đẹp, hơn 30 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thành phố luôn nỗ lực không ngừng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Thành phố đã tập trung, huy động các nguồn lực xóa đói, giảm nghèo, chỉnh trang đô thị… Nhiều phong trào “vì dân” khởi phát từ TP Hồ Chí Minh lan tỏa ra cả nước như: Phong trào xây tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; chăm lo gia đình người có công với cách mạng; phong trào xóa đói, giảm nghèo… Theo số liệu thống kê của UBND thành phố, sau năm 1975, thành phố có tới 30% hộ thuộc diện nghèo, đến năm 1985, thu nhập bình quân đầu người là 586 USD; hiện nay đạt hơn 6.000USD/ người/ năm. Mặc dù diện tích đất đai của thành phố chỉ chiếm 0,6% cả nước, dân số chiếm khoảng 10% nhưng sản phẩm kinh tế những năm gần đây đóng góp ở mức 24% vào GDP cả nước; đóng góp vào ngân sách Nhà nước 27,8% và là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo, rồi giảm hộ nghèo tăng hộ khá có nhiều chuyển biến vững chắc. Dự kiến, cuối năm 2020, thành phố hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố, giai đoạn 2019-2020; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với năm 2011.
Ghi nhớ tình cảm và những lời căn dặn của Bác dành cho đoàn viên, thanh niên, 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuổi trẻ thành phố luôn tích cực tham gia vào những công việc khó khăn, chung vai gánh vác trách nhiệm xây dựng và bảo vệ thành phố thân yêu. Trong những năm kháng chiến, những cuộc biểu tình, đấu tranh chính trị công khai, đấu tranh vũ trang, xuống đường đòi dân sinh, dân chủ, phản đối chiến tranh, chống thực dân, đế quốc, phong trào đốt xe Mỹ-ngụy, phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”… luôn hừng hực khí thế cách mạng sục sôi của tuổi trẻ. Trong thời kỳ đất nước thống nhất, thế hệ trẻ bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, hăng hái tham gia các phong trào lao động, sản xuất, rà phá bom mìn, khai hoang, phục hóa, xây dựng những khu kinh tế mới, làm đường giao thông, mở mang nhà máy, nông trường, xây dựng kênh Đông Củ Chi, hồ Dầu Tiếng, Thủy điện Trị An, tham gia giữ vững biên cương và làm nghĩa vụ quốc tế. Tuổi trẻ thành phố còn xung kích thực hiện nhiều công trình xây dựng kinh tế mới không chỉ ở địa bàn thành phố mà còn ở Lâm Đồng, Tây Ninh, Kiên Giang, Minh Hải, Long An… Thành đoàn đã đề ra nhiều chương trình lớn đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, phụng sự xã hội. Nhiều phong trào tình nguyện lớn của thanh niên cả nước đã khởi phát từ Thành phố mang tên Bác, rồi lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc, như: Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, chiến dịch Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh, Tuổi trẻ xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tuổi trẻ sáng tạo…
Nửa thế kỷ trôi qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh không ngừng phấn đấu xây dựng thành phố to lớn và đẹp đẽ hơn, chất lượng sống tốt hơn. Mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo, nâng cao phúc lợi xã hội… đang dần thành hiện thực. Với tất cả những gì đã làm được, TP Hồ Chí Minh đang hiện thực hóa điều Bác Hồ mong đợi: “Thắng lợi rồi, chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Song, kết quả ấy mới chỉ là bước đầu, tạo đà để thành phố tiếp tục vươn lên, thực hiện thành công những lời căn dặn của Người trong Di chúc thiêng liêng. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố mang tên Bác đã và đang nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng để xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.