(QK7 Online) - Thực hiện Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, công tác tăng gia sản xuất luôn được Ban CHQS huyện Phú Riềng, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước chú trọng. Đặc biệt gần đây, đơn vị tận dụng thế mạnh, tiềm năng về đất đai, chuyển đổi từ trồng rau sang trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Chiến sĩ dân quân Ban CHQS huyện Phú Riềng thu hoạch dưa lưới công nghệ cao.
Trước đây Ban CHQS huyện Phú Riềng được cấp trên đầu tư xây dựng nhà lưới khép kín để trồng các loại rau, củ, quả nhằm tăng thêm nguồn thu, đảm bảo đời sống bộ đội. Tuy nhiên, việc trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống nên chủng loại rau không phong phú, thường xuyên bị sâu bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất, chi phí lại cao.
Trung tá Trần Thanh Lâm, Chính trị viên Ban CHQS huyện Phú Riềng cho biết: “Nhận thấy mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao mang lại nhiều lợi ích, chúng tôi đã cử cán bộ đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng ở đơn vị. Từ đầu năm nay, đơn vị chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Riềng chuyển đổi từ trồng rau sang trồng dưa lưới với diện tích hơn 1.000 m2. Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, cán bộ, chiến sĩ tiến hành cải tạo đất, lựa chọn giống Golden King 126 để gieo trồng, thời gian sinh trưởng cho đến thu hoạch khoảng 65 ngày”.
Huyện đoàn Phú Riềng tham quan mô hình trồng dưa lưới của Ban CHQS huyện thực hiện.
Để bảo đảm cây dưa phát triển đồng đều thì nguồn nước, phân bón được đơn vị chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt tới từng gốc cây, bình quân ngày tưới 12 lần, trong đó 11 lần tưới dinh dưỡng và lần cuối cùng tưới nước. Giai đoạn cây ra hoa, thay vì thụ phấn bằng tay mất nhiều thời gian, đơn vị sử dụng ong mật để thụ phấn bổ sung cho dưa, tỷ lệ đậu quả đạt trên 85%. Sau khi cây đậu trái, sẽ lựa chọn 1 quả tốt nhất ở vị trí từ nách lá thứ 9 đến thứ 15, các quả còn lại cắt bỏ hết để quả phát triển và đảm bảo chất lượng tốt nhất. Trọng lượng khi thu hoạch dưa lưới bình quân từ 1,8-2,0 kg/quả. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, lợi nhuận đem lại gần 60 triệu đồng.
Trực tiếp tham gia chăm sóc vườn dưa lưới, chiến sĩ dân quân thường trực Hồ Kim Cương, Ban CHQS huyện Phú Riềng chia sẻ: “Để vườn dưa đạt hiệu quả cao, quá trình chăm sóc chúng tôi chú trọng đến những kỹ thuật mà Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn. Thực hiện cẩn thận ở tất cả các khâu như ươm hạt, làm đất, kiểm tra chất lượng nước tưới, phân bón, điều khiển hệ thống tưới, thụ phấn, tuyển trái... Đặc biệt lưu ý kĩ cách phòng trị bọ phấn trắng, bọ trĩ và thối rễ ở giai đoạn cây con. Nhờ vậy mà vườn dưa rất xanh tốt, sẵn sàng cho vụ thu hoạch tiếp theo”.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của Ban CHQS huyện Phú Riềng bước đầu thu được kết quả khá khả quan. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí thu được để phát triển, nhân rộng mô hình. Đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm, sẵn sàng hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho các cơ quan, đơn vị, nhất là chiến sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong LLVT tỉnh và cán bộ, đoàn viên thanh niên bắt đầu khởi nghiệp.
Cán bộ, chiến sĩ dân quân Ban CHQS huyện Phú Riêng cải tạo đất, gieo trồng dưa lưới công nghệ cao.
“Từ kết quả thu được của mô hình, chúng tôi sẽ tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp Hội nông dân các xã chuyển giao công nghệ, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lưới. Qua đó giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình”. Trung tá Trần Thanh Lâm, Chính trị viên Ban CHQS huyện Phú Riềng cho biết thêm.
Nguyễn Hoàng