Đồng chí Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa/ Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM báo cáo đề dẫn tọa đàm
Buổi Tọa đàm nhằm lắng nghe ý kiến của các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa để làm cơ sở tiến hành xây dựng Bia tưởng niệm tại 2 vị trí còn lại trong 5 vị trí tấn công của Biệt động Sài Gòn, đó là trận đánh Bộ Tổng Tham mưu Sài Gòn của Cụm Biệt động 679 và trận đánh Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn của Đội 3 Biệt động.
Tham luận của các đại biểu đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự chuẩn bị chu đáo của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đối với công tác xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ Biệt động Sài Gòn. Các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng 2 Bia tưởng niệm liệt sĩ tại vị trí Bộ Tổng Tham mưu Sài Gòn và Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn, để khẳng định chiến công vẻ vang, sự hi sinh anh dũng của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Kết luận tọa đàm, đồng chí Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích/ Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM trân trọng những ý kiến tham gia thảo luận tâm huyết của các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, làm cơ sở quan trọng để Sở Văn hóa và Thể thao thành phố phối hợp với các cơ quan chuyên môn xác định vị trí đặt Bia, phương án thiết kế Bia, nội dung văn Bia để báo cáo lãnh đạo thành phố quyết định tiến hành xây dựng 2 Bia tưởng niệm liệt sĩ Biệt động Sài Gòn trong năm 2019.