(QK7 Online) - Ngày 24/12, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp Thành Đoàn TPHCM và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI)” năm 2024.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực AI trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời Hội thảo cũng trao đổi về kết quả triển khai Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030” trong thời gian vừa qua và đề ra phương hướng, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phát biểu tại hội thảo.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, nhu cầu TP hiện nay về AI có 4 nhóm lớn: quản trị thành phố hiện tại và quản trị thành phố thông minh trong thời gian sắp tới; tăng năng suất lao động cho bộ máy chính quyền của nhà nước; tăng năng suất lao động và hiệu quả cho doanh nghiệp của thành phố; các dịch vụ công để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các vấn đề như: Giải pháp thiết thực nhằm phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới: tập trung hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo; về xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao phục vụ nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo với góc nhìn từ các doanh nghiệp công nghệ; phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để năng cao năng suất lao động, phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tốt hơn. Tập trung xu hướng triển khai trợ lý ảo trong từng lĩnh quản lý nhà nước và trong cung cấp dịch vụ công.
Thực trạng nhân lực ngành AI
Theo ThS Nguyễn Thị Thu Sương, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP có 54 trường đại học, học viện, trong đó có khoảng 35 trường có chương trình đào tạo công nghệ thông tin - truyền thông. Tuy nhiên, chỉ có 14 chương trình đào tạo ngành AI, Khoa học dữ liệu và Kỹ thuật dữ liệu với chỉ tiêu đào tạo chưa đến 1.000 sinh viên đại học.
ThS Nguyễn Thị Thu Sương, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM trình bày tham luận.
Khoảng 59,8% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng chất lượng nhân sự AI hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng; chỉ 25% doanh nghiệp được khảo sát có đủ nhân sự AI để đáp ứng nhu cầu sử dụng; 25,9% cho rằng chất lượng đào tạo nhân lực AI chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Từ kết quả khảo sát trên có thể cho thấy, nhân lực AI tại trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng và số lượng chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
"Số lượng sinh viên CNTT nhiều nhưng số lượng đào tạo chuyên sâu về AI còn ít do thiếu chương trình đào tạo chuyên gia AI, bắt đầu từ chương trình phổ thông và trung học, chọn lọc để đào tạo ở các trường đại học, hàng đầu trong và ngoài nước; thiếu các chương trình đào tạo AI chuẩn hóa cả nước về công nghệ AI và ứng dụng AI; do đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu nên phần lớn các doanh nghiệp phải tự đào tạo, khó đảm bảo về số lượng và chất lượng" - ông Trần Phúc Hồng, Phó tổng giám đốc, Tập đoàn Công nghệ TMA nêu thực trạng hiện nay.
Nâng cao chất lượng đào tạo
PGS.TS. Trần Minh Triết, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, để nâng cao chất lượng và số lượng nhân sự cho ngành cần tăng cường đầu tư vào đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo; thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu và đào tạo ngành liên quan AI; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; xây dựng chính sách và cơ chế sandbox để khuyến khích sự đổi mới và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại TPHCM;...
Hội thảo nhận được hưởng ứng tham gia của giảng viên, nhà nghiên cứu các trường Đại học, Cao đẳng và Học viện trên toàn quốc, các nhà khoa học trẻ, các cơ quan, doanh nghiệp đang làm việc trong và ngoài nước có quan tâm đến vấn đề phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học.
Đối với góc nhìn của doanh nghiệp công nghệ, ông Trần Phúc Hồng, Phó tổng giám đốc, Tập đoàn Công nghệ TMA kiến nghị, đào tạo AI bậc đại học đạt 25% số lượng sinh viên công nghệ thông tin, đào tạo về công nghệ AI cho sinh viên tất cả các ngành kỹ thuật, mời các nhà khoa học và chuyên gia ở nước ngoài để tư vấn về chương trình đào tạo AI và trực tiếp giảng dạy,...
Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI)” mang ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ ngày càng trở thành động lực cốt lõi thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, hội thảo là nền tảng để Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong mọi lĩnh vực.
Lê Tiến