(QK7 Online) - Chuyến hành trình đi qua 3 tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An để lại nhiều cảm xúc thân thương về dải đất biên cương phía Tây Nam Tổ quốc. Những ruộng dưa xanh bạt ngàn, những cánh đồng lúa trải dài ngút tầm mắt. Biên cương hôm nay trở nên trù phú, đông đúc với nhiều xóm ấp, khu dân cư. Tuyến đường tuần tra biên giới kết nối với đường giao thông nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa. Những tín hiệu lạc quan về cuộc sống ấm no vùng biên đã khẳng định hiệu quả của Đề án “Xây dựng chốt dân quân thường trực biên giới đất liền” và “Xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; đồn, trạm biên phòng” để mỗi người dân là “cột mốc” sống, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Tình quân dân trên đường tuần tra
Kỳ 1: Quân dân đồng lòng giữ biên cương
Điểm dân cư liền kề chốt dân quân thường trực xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, được hình thành vào tháng 8/2020 gồm 5 căn nhà xây dựng kiên cố. Trên cánh đồng sen rộng hơn 1 hecta, ông Nguyễn Văn Hoàng hy vọng vụ sen năm nay gia đình ông sẽ trúng mùa được giá, bởi đây là năm đầu tiên ông thử nghiệm trồng sen trên đất ruộng. Quê của ông ở huyện Bến Lức, Long An. Do hoàn cảnh khó khăn, năm 1990, ông lên biên giới làm ăn sinh sống, cải tạo vùng đất biên cương khô cằn, hoang hóa, trở nên màu mỡ, phì nhiêu. Cuộc sống tuy chưa khá giả, nhưng so với hơn 30 trước, thì khác xa nhau “một trời, một vực”. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, ông chia sẻ: “Hồi đó bà con đi lại chủ yếu bằng xuồng máy, làm gì có đường sá để đi xe máy. Nhà tui nghèo lắm, không có tiền mua xuồng máy, toàn đi bộ thôi, đến năm 2003 mới sửa lại tuyến đường tuần tra biên giới, năm 2008 thì đổ bê tông. UBND huyện và xã thì hỗ trợ nước, điện. Có điện, có ánh sáng, bà con mua sắm ti vi, xem các chương trình hướng dẫn khuyến nông, làm kinh tế nông nghiệp cũng mở mang được nhiều kiến thức”.
Ông Nguyễn Văn Hoàng hy vọng vụ sen năm nay gia đình ông sẽ trúng mùa được giá
Nhờ chăm chỉ lao động, ngoài diện tích đất trồng hoa màu, gia đình ông có được nguồn thu từ chăn nuôi bò. Hiện nay, nhà ông đang chăm sóc đàn bò 8 con. Đây là tài sản lớn của gia đình, gom góp tích lũy để hoàn thiện ngôi nhà còn dang dở.
Đàn bò phát triển tốt
Nằm trong Điểm dân cư liền kề chốt dân quân thường trực xã Khánh Hưng, ngôi nhà của ông được Quân khu 7 và UBND tỉnh Long An hỗ trợ với số tiền 175 triệu đồng. Do cốt nền trũng thấp, gia đình ông đã đầu tư trên 200 triệu đồng để gia cố móng thêm kiên cố, vững chắc.
Hơn 30 năm sinh sống tại vùng biên, dù tình hình an ninh, trật tự địa phương có thời điểm xảy ra nhiều vụ trộm cắp, cướp biên giới, nhưng gia đình ông vẫn bám trụ, lao động trên chính mảnh đất này. Đặc biệt, năm 2012, Chốt dân quân thường trực xã Khánh Hưng, còn gọi là Chốt dân quân Ngọn Cần Đen được thành lập, bà con có thêm điểm tựa vững chắc để “an cư, lạc nghiệp” lâu dài. Nói về vai trò của các chiến sĩ sao vuông, ông Hoàng hào hứng, phấn khởi: “Từ ngày có chốt, tình hình ở khu vực này ổn định lắm. Có tiếng nói, có màu áo xanh của các chiến sĩ thường xuyên đi tuần tra, bà con an tâm lắm. Các chú dân quân tuy còn khó khăn nhưng vẫn thường xuyên hỗ trợ rau xanh cho bà con, ngược lại bà con lại chia sẻ các loại hạt giống để chốt gieo trồng”.
Chốt dân quân Ngọn Cần Đen án ngữ trên tuyến biên giới dài 7,5 km giáp với xã Crua, huyện SvâyChum, tỉnh Svây Riêng, Vương quốc Campuchia. Ranh giới giữa hai bên là con kênh Cái Cỏ hiền hòa, cung cấp nguồn nước tưới cho những cánh đồng lúa xanh non của ta và Bạn.
Tuần tra bảo vệ địa bàn
Tình nguyện lên biên giới cắm chốt từ ngày đầu thành lập, Chốt trưởng Lê Văn Thả đã đón 11 cái tết tại vùng biên này. Trải qua biết bao khó khăn, vất vả, với tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, cán bộ, chiến sĩ đã phát huy sức mạnh đoàn kết quân dân, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn về điều kiện vật chất, trở thành điểm tựa vững chắc nơi biên giới. Cá nhân đồng chí Chốt trưởng luôn tận tụy, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, nhiều lần lập thành tích trong phối hợp đấu tranh, phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Cấp ủy, lãnh đạo xã thường xuyên quan tâm, tạo mọi điều kiện để anh em trên chốt yên tâm công tác. Với khuôn viên rộng 1 ha, cán bộ, chiến sĩ tổ chức quy hoạch, làm ao thả cá, trồng rau xanh, cây ăn trái, chăn nuôi bò, dê và hàng trăm con gà, vịt. Chính từ những thành quả tăng gia sản xuất ấy, chốt có thêm nguồn quỹ để mua sắm các trang thiết bị, cải thiện điều kiện sinh hoạt, phục vụ nhu cầu đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.
Chăm sóc sắc xuân biên cương
Cùng với các Trạm kiểm soát biên phòng xã Khánh Hưng, Trạm biên phòng Tà Nu, Chốt dân quân Ngọn Cần Đen đã khép kín địa bàn; thường xuyên phối hợp tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đường biên, cột mốc, bảo vệ hoa màu, tài sản của nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn trên tuyến biên giới. Từng chiến sĩ dân quân luôn ý thức được tinh thần, trách nhiệm bảo vệ chốt, bảo vệ an toàn địa bàn và cuộc sống bình yên của nhân dân; tích cực xây dựng mối quan hệ đoàn kết với chính quyền và nhân dân xã bạn nhằm thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước. Qua hơn 10 năm đứng chân, chốt đã giữ trọn niềm tin với cấp ủy, chính quyền và nhân dân vùng biên này.
Phối hợp với các lực lượng tuần tra, bảo vệ đường biên
Đồng chí Nguyễn Minh Luân, Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng khẳng định: “Từ khi có lực lượng dân quân thường trực tập trung, ngày đêm tuần tra, canh gác, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Khánh Hưng đã yên tâm hơn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới luôn ổn định. Người dân an tâm lao động, sản xuất, bám trụ lâu dài trên vùng đất biên cương. Bên cạnh đó, anh em dân quân Chốt còn rất nhiệt tình giúp dân sửa nhà cửa, vác lúa, thu hoạch mùa màng,... qua đó thắt chặt tình đoàn kết gắn bó, đồng lòng xây dựng và bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc”.
Minh Thảo-Lê Trầm
(Còn tiếp)