Ghi dấu chiến tích anh hùng
Bí thư, Trưởng ấp Bình Điện, xã Bình Tịnh - Nguyễn Văn Quyên kể khu vực Cống Bần được xác định là khu vực dọc hai bên rạch Bà Rơm đến sông Vàm Cỏ, có liên kết với huyện Châu Thành qua sông Vàm Cỏ và khu căn cứ của ta tại Tân Trụ. Khu vực Cống Bần xưa còn được xem là cửa ngõ vào Tân Trụ, có nhiều cây hoang dại xung quanh, đặc biệt là cây bần. Chính vì thế, người dân quen gọi là Cống Bần. Lợi dụng địa thế thuận lợi cho việc đánh du kích, quân và dân ta đã nhiều lần tổ chức các đợt tấn công vào quân địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Tiêu biểu trong đó là các trận đánh vào năm 1948, 1962, 1963.
Năm 1948, nhân ngày quốc khánh Pháp, địch dùng xe chở các công chức, hội tề xã về Tân An dự lễ, ta dùng mìn đánh tập kích tại Cống Bần, diệt 1 tên Pháp chỉ huy, 2 tên hương quản vốn là Việt gian gian ác nhất vùng. Ngoài ra, ta còn làm bị thương 1 tên Pháp khác. Trận tấn công diễn ra vỏn vẹn trong 3 phút và thu về thắng lợi lớn. Đến năm 1962, chúng ta lại tiếp tục đặt mìn tiêu diệt tên quận trưởng Trương Hòa Minh tại khu vực Cống Bần. Nhân lúc hắn đi từ Tân Trụ tới Tân An để họp bằng xe jeep, đặc công ta đặt mìn làm lật xe, tiêu diệt tên quận trưởng cùng 2 lính bảo an, thu 3 súng. Sau khi Trương Hòa Minh chết, địch đưa tên Đỗ Kiến Gấm lên làm quận trưởng, đưa tên Hên làm Tổng đoàn trưởng dân vệ. Năm 1963, khi xe của Quận Gấm và Tổng Hên chạy tới khu vực Cống Bần, nơi đã được đặc công ta đặt mìn sẵn thì xe địch bị nổ tung. Ta diệt được tên Quận Gấm, Tổng Hên và một số lính bảo an, trong khi bên ta không bị tổn thất gì.
Đó là những chiến công nổi bật trong nhiều đợt tấn công của ta tại khu vực Cống Bần trong suốt 2 cuộc trường kỳ kháng chiến. Và cả 3 đều có một đặc điểm chung chính là tinh thần quả cảm, sáng tạo của quân và dân Tân Trụ nói chung và Bình Tịnh nói riêng. Ông Nguyễn Văn Quyên cho biết, mìn được ta dùng trong các đợt tấn công tại khu vực Cống Bần hầu hết là mìn do bộ đội ta tự chế. Ông Quyên là một trong những người dân hiểu rõ về chiến công tại khu vực Cống Bần vì ông từng có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với những người từng trực tiếp tham gia và chỉ huy các đợt tấn công tại đó: Liệt sĩ Đặng Văn Chúng, Ngô Văn Bạt... Giờ đây, nhân chứng lịch sử không còn nữa, ông Quyên được xem là người am hiểu nhất về di tích khu vực Cống Bần.
Cống Bần “thay áo mới”
Hồi tưởng về quá khứ, ông Quyên kể: “Xưa cả vùng này chỉ có duy nhất tuyến đường chính đi qua Cống Bần thôi, là đường đất, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Ngày nay thì khác rồi, đường bê tông phủ khắp từng xóm, ấp. Ai cũng có nhà tường kiên cố, mỗi gia đình có 1-2 xe gắn máy. Mình ở đây hàng ngày nên khó thấy nhưng người ta đi đôi ba năm về sẽ nhận ra những thay đổi lớn”.
Những thay đổi ông Quyên nhắc đến chính là kết quả quá trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao tại Bình Tịnh. Bình Tịnh được công nhận xã NTM năm 2016 và đang trên hành trình xây dựng NTM nâng cao. Xã đang phấn đấu thực hiện tiêu chí về thu nhập. Nếu hoàn tất, Bình Tịnh sẽ chạm vạch đích NTM nâng cao. Toàn xã hiện có 89% hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn 02 của Bộ Y tế. Đường giao thông nông thôn, đường liên xóm, ấp được bê tông hóa, cứng hóa đạt 100%, có đèn đường thắp sáng. Đặc biệt, xã vừa mở rộng, trải nhựa tuyến đường Đặng Văn Chúng vào đầu năm 2022 với nguồn kinh phí gần 3 tỉ đồng do Nhà nước và nhân dân cùng làm. Được biết, đó là công trình điểm của huyện thực hiện Nghị quyết Huyện ủy về nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Bình Tịnh - Nguyễn Thành Hải cho biết, đường Đặng Văn Chúng là đường đấu nối vào đường ven sông Vàm Cỏ Tây kết nối với thành phố Tân An, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế của xã những năm sau này.
Bình Tịnh giờ đây đang trên hành trình xây dựng NTM nâng cao. Đời sống người dân được nâng lên rõ nét trên tất cả các mặt kinh tế, tinh thần. Tình hình an ninh, trật tự cũng được bảo đảm. Khu vực Cống Bần năm xưa rậm rạp, đất hoang, nay trở thành vùng quê trù phú với nhà tường khang trang, đường sá rộng, đẹp. Tấm bia di tích được đặt tại UBND xã cũng chính là khu vực trung tâm của khu vực Cống Bần như một lời nhắc nhớ về quá khứ hào hùng của cha ông.