Vì hoàn cảnh nhà nghèo, đồng chí phải nghỉ học sớm và làm nhiều nghề để kiếm sống nên đã rèn luyện cho đồng chí tính tự lập từ nhỏ. Với bản tính ham học võ nên vừa lăn lộn kiếm sống, đồng chí vừa đi nhiều nơi trong vùng, tìm đến nhiều thầy nổi tiếng giỏi võ để theo học. Nhờ vậy mà võ thuật của đồng chí nổi trội hơn số anh chị giang hồ ở Sài Gòn - Chợ Lớn thời bấy giờ. Năm 1936, khi người cha kế mất, đồng chí Dương Văn Dương trở về sinh sống tại xóm cầu Rạch Đỉa, làng Tân Quy (Nhà Bè) và mở lò dạy võ giúp người dân lương thiện tự bảo vệ mình, không để ai ức hiếp. Dần dần, lớp dạy võ đã thu hút hàng trăm đệ tử theo học. Vốn là người trọng nghĩa khí nên tên tuổi đồng chí nổi tiếng trong giới giang hồ ở Nam Kỳ.
Thiếu tướng Dương Văn Dương
Ra tù, đồng chí Dương Văn Dương phải lánh mặt ở một vùng xa xôi thuộc biên giới Việt Nam - Campuchia. Năm 1943, đồng chí trở lại làng Tân Quy. Một bước ngoặt đã mở ra trong cuộc đời đồng chí Ba Dương khi được các đảng viên Cộng sản như Ba Của, Hai Lân, Tư Huệ móc nối giác ngộ. Đồng chí Ba Dương thầu bảo vệ bãi chứa gỗ của hãng đóng tàu Nichinan (Nhật Bản) để làm cơ sở, tập hợp, cảm hóa các nhóm giang hồ và truy tầm vũ khí. Khi thực dân Pháp ban hành tình trạng khẩn cấp, gom bắt hết các phần tử nguy hiểm như Cộng sản, Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh Độ Cư Sĩ và bắt luôn dân giang hồ, đồng chí Dương Văn Dương phải chạy về Cần Giuộc. Nhưng do có chỉ điểm, đồng chí bị địch bắt giải về quận, sau đó được thả ra.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Tại Nhà Bè, được sự hướng dẫn của các đảng viên Cộng sản, đồng chí Ba Dương vận động, tập hợp và thống nhất nhiều băng nhóm giang hồ như Mười Lực, Chín Hiệp, Sáu Thơ. Đồng chí tổ chức hoạt động bằng cách mở tiệm cơm, quán nhậu thu hút lính Pháp, lính Nhật để gạ mua hoặc dùng mưu kế và sức mạnh tước vũ khí của địch để trang bị cho quân của mình; đồng thời đột nhập vào nhà tay sai, ác bá trừng trị và tước súng của chúng..
Từ tháng 5 đến tháng 8-1945, đồng chí Ba Dương đã phối hợp với lực lượng “Thanh niên Tiền phong” và các nhóm giang hồ khống chế, thủ tiêu hàng trăm mật thám, chỉ điểm, cảnh sát ở địa phương. Đầu tháng 8-1945, nhóm vũ trang của đồng chí Ba Dương đã quy tụ được 70 người, trang bị 50 khẩu súng, có cả trọng liên 13,2mm và đại bác nòng đôi 20mm, trở thành nhóm vũ trang mạnh nhất ở vùng Sài Gòn lúc bấy giờ.
Cách mạng tháng Tám (1945) nổ ra, nhận được chủ trương của Xứ ủy về Tổng khởi nghĩa qua Chi bộ Đảng ở Nhà Bè, đồng chí Ba Dương bí mật tập hợp toàn bộ thủ lĩnh các băng nhóm giang hồ ở Nhà Bè, phổ biến kế hoạch và phân công phối hợp hoạt động. Các nhóm trên đã hoàn thành việc chiếm lĩnh các mục tiêu được phân công như Tòa án, Khám lớn Sài Gòn, Bốt số 6… giải thoát được các tù nhân bị thực dân Pháp và phát xít Nhật giam giữ.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Ba Dương lập một lực lượng vũ trang có tên là “Thanh niên cảm tử đoàn” gồm toàn dân “anh chị” tại Tân Quy (Nhà Bè). Với tư cách là đàn anh trong vùng, đồng chí Ba Dương tiếp xúc với các nhóm vũ trang lân cận và nhanh chóng thống nhất lực lượng lại thành một khối để lãnh đạo. Chính đồng chí chọn tên ấp Bình Xuyên thuộc làng Chánh Hưng để đặt tên cho lực lượng vũ trang do mình chỉ huy, vì “Bình là dẹp bằng, Xuyên là ngang dọc”, phù hợp với tôn chỉ của hảo hán. Danh xưng “Bộ đội Bình Xuyên” có từ ngày ấy.
Ngày 23-9-1945, quân Pháp gây hấn, nổ súng đánh chiếm Sài Gòn. Toàn Nam Bộ vùng lên kháng chiến. Phối hợp với hoạt động của các lực lượng vũ trang trong nội thành, xung quanh Sài Gòn hình thành 4 mặt trận bao vây quân địch. Cuối tháng 9-1945, mặt trận phía Nam Sài Gòn - Chợ Lớn, còn được gọi là Mặt trận số 4 được thành lập, đảng viên kỳ cựu Nguyễn Văn Trân được cử làm Ủy trưởng quân sự. Đồng chí Ba Dương được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy bộ đội Nhà Bè, Tân Thuận, Bình Đông kiêm Trưởng ban Do thám của mặt trận.
Tình hình chiến sự ngày càng gay go, quân Pháp quyết tâm chiếm lại Nam Bộ. Từ Chiến khu Đông Triều (Hải Phòng), đồng chí Nguyễn Bình chấp hành lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào miền Nam công tác, qua đó tiến hành thống nhất các lực lượng vũ trang. Tướng Nguyễn Bình ngay từ ngày đầu hành quân vào miền Nam đã chú ý đến lực lượng “Bộ đội Bình Xuyên” do đồng chí Dương Văn Dương chỉ huy.
Tháng 10-1945, thực hiện chủ trương của Đảng bộ, đồng chí Dương Văn Dương thuyết phục các băng nhóm thống nhất lại thành lực lượng vũ trang Nhà Bè, do đồng chí làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Đinh Văn Nhị làm Ủy viên Chính trị, đồng chí Từ Văn Ri làm Tham mưu trưởng, quân số lên đến 2.000 người, trang bị 1.300 khẩu súng, có 2 khẩu đại bác, 7 khẩu trọng liên 13,2mm, 15 khẩu trung liên. Khác với quân của Bảy Viễn (Lê Văn Viễn) chỉ lo bảo toàn lực lượng, bộ đội Nhà Bè chủ động đánh nhiều trận, trong đó có trận Cây Khô, do đồng chí Ba Dương trực tiếp chỉ huy, có sự phối hợp của bộ đội Tám Mạnh, phục kích tiêu diệt gọn đoàn tàu, diệt và bắt toàn bộ quân địch, thu 1 tàu kéo, 1 xà lan và 4 ghe lương thực, thực phẩm.
Tháng 11-1945, đồng chí Dương Văn Dương được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận số 4, tiến hành bao vây mặt Nam Sài Gòn. Xóm cầu Rạch Đỉa trở thành Tổng hành dinh của bộ đội Bình Xuyên. Bộ đội Bình Xuyên chủ động liên kết với bộ đội Thủ Thiêm của Mười Lực, liên quân với bộ đội Hai Vĩnh đánh nhiều trận gây thanh thế. Dưới sự tác động của phía cách mạng, lực lượng Bình Xuyên của đồng chí Dương Văn Dương đã chuyển hóa, phát triển thành những đơn vị Vệ quốc đoàn. Nhiều thủ lĩnh Bình Xuyên như các đồng chí Dương Văn Dương (Ba Dương), Huỳnh Văn Trí (Mười Trí), Mai Văn Vĩnh (Hai Vĩnh), Dương Văn Hà (Năm Hà, em ruột của đồng chí Dương Văn Dương),… là những người uy tín, cầu thị, học hỏi các chiến sĩ cách mạng và quyết tâm phục vụ đất nước. Thực dân Pháp tung hết lực lượng quyết chiếm Sài Gòn và vùng phụ cận. Sau khi Mặt trận số 4 bị vỡ, đồng chí Ba Dương lệnh cho các đơn vị rút về Phước An, Long Thành để chấn chỉnh lực lượng, thống nhất và củng cố các đơn vị bộ đội Thủ Thiêm, Tân Thuận, Nhà Bè, Phú Nhuận… và chọn Rừng Sác làm căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Giữa tháng 12-1945, Khu bộ trưởng Khu 7 Nguyễn Bình thăm Sở chỉ huy Bình Xuyên tại Phước An, quyết định bổ nhiệm đồng chí Dương Văn Dương làm Khu bộ phó Khu 7 và giao cho đồng chí chỉ huy một bộ phận quan trọng lực lượng Bình Xuyên xuống chi viện cho chiến trường Khu 8 ở đồng bằng sông Cửu Long, đánh giặc trên đường đi và thống nhất lực lượng vũ trang nơi đơn vị đến. Theo yêu cầu chi viện của Khu bộ phó Khu 8 Trương Văn Giàu, đầu năm 1946, đồng chí Ba Dương triệu tập hội nghị tại Rạch Su trình bày việc đưa quân xuống tăng cường Chiến khu Bến Tre, tiếp cứu mặt trận An Hóa - Giao Hòa bị quân Pháp uy hiếp nặng. Thực hiện mệnh lệnh của Khu bộ trưởng Nguyễn Bình, đồng chí Ba Dương chỉ thị chọn các đơn vị có thành tích lập liên quân gồm 5 đại đội đi Bến Tre, đích thân đồng chí Ba Dương chỉ huy. Đơn vị liên quân tổ chức ăn tết trước đồng bào 3 ngày.
Đêm 30 Tết, liên quân vượt sông Soài Rạp, xuyên qua Bình Phục Nhất, Chợ Gạo, vượt Cửa Tiểu qua An Hóa; vừa đi vừa đánh tạo khí thế. Cánh Nhà Bè đánh Cần Giuộc, cánh Tân Thuận đánh Cần Đước, cánh Tân Quy đánh Chợ Trạm. Sau đó hợp quân tại Chợ Gạo trước khi hành quân vào Bến Tre. Nhưng khi đến bờ Nam Cửa Tiểu thì được tin mặt trận An Hóa – Giao Hòa đã mất. Bộ Chỉ huy quyết định tổ chức đánh đoàn tàu thực phẩm của địch, sau đó kéo quân về xã Châu Bình (Giồng Trôm) cùng hội quân với lực lượng Cộng hòa Vệ binh, Quốc gia Tự vệ cuộc của Trương Văn Giàu và Nguyễn Văn Quạn, bàn kế hoạch mở mặt trận đánh quân Pháp và phối hợp giải tán Đệ tam Sư đoàn đã có hành động quân phiệt làm nhân dân ca thán.
Khi đang tổ chức hội nghị thì nhận được tin quân Pháp sắp tiến công. Đơn vị của đồng chí ở ấp Bình Khương (Châu Bình) chưa kịp triển khai phòng tuyến thì bị bao vây tứ phía. Nhận thấy tình hình nguy ngập, một cán bộ tham mưu đưa ra xấp giấy thuế thân để đồng chí Dương Văn Dương và một số anh em giả dạng thường dân rút ra bảo toàn lực lượng. Nhưng đồng chí Ba Dương xé tờ giấy thuế thân và trả lời người cận vệ: “Cảm ơn anh đã lo cho tôi, nhưng kẻ làm tướng mà bỏ quân chạy trước là tướng hèn. Tôi quyết không nghe theo lời anh”.
Quân Pháp bắn phá dọn đường cho bộ binh đánh vào cơ sở của ta. Đồng chí Ba Dương xoay quanh cây rơm sau nhà vừa trú quân, vừa tránh đạn và ra lệnh cho đơn vị triển khai chiến đấu đánh địch. Đồng chí bị trúng đạn hy sinh lúc 8 giờ 30 phút ngày 17-2-1946. Thi hài của đồng chí được an táng tại Châu Bình. Sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975), hài cốt của đồng chí được cải táng đưa về an táng tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Dương Văn Dương là người tiêu biểu cho giới hảo hán trọng nghĩa khí, vì quốc gia đại cuộc. Khi trở thành người chỉ huy Quân đội, đồng chí là cán bộ chỉ huy gương mẫu, dũng cảm, được đồng đội mến phục. Sau khi hy sinh, ngày 5-8-1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công nhận đồng chí là liệt sĩ và truy phong quân hàm Thiếu tướng. Đồng chí là vị tướng được truy phong đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong mật điện số 946/TRT, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời chia buồn đến gia quyến của đồng chí Dương Văn Dương. Để tri ân những đóng góp và sự hy sinh của đồng chí, năm 1947, Ủy ban kháng chiến - hành chính Nam Bộ quyết định lấy tên đồng chí đặt cho một kênh đào dài nhất ở Đồng Tháp Mười (45km) nối từ huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An sang tỉnh Đồng Tháp là kênh Dương Văn Dương (tên cũ là Lagrange, nguyên là tên chủ tỉnh Long An thời thực dân Pháp xâm lược). Ngoài ra, Trung đoàn 300 - Trung đoàn Nam tiến đánh giặc giỏi còn được vinh dự mang tên Trung đoàn Dương Văn Dương. Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, có một con đường mang tên Dương Văn Dương tại phường Tân Quý, quận Tân Phú; ở Ấp 2, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè có Trường Trung học phổ thông Dương Văn Dương.