Nguồn: baolamdong.vn
4610 lượt xem
Ngày sách Việt Nam nghĩ về văn hóa đọc
Đọc sách là một quá trình tích lũy và nâng cao tri thức; là cơ hội để mỗi người được tiếp cận với khối lượng tri thức khổng lồ. Dân tộc Việt Nam vốn hiếu học và ham đọc sách, đó là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, truyền thống quý báu ấy đang dần bị mai một.
Sách là một sản phẩm kỳ diệu; là một trong những phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, ý nghĩ và kinh nghiệm từ thế hệ này cho thế hệ khác. Như Lênin đã nói: “Không có sách, không có tri thức…”; sách chính là nguồn tri thức, là kết tinh tất cả những học thuyết có giá trị nhất, ghi lại toàn bộ lịch sử loài người; là di sản của đời trước để lại cho đời sau... Nhờ có sách mà con người đã tiếp thu được tri thức của nhân loại tích lũy trong suốt quá trình lịch sử lâu dài. Vì vậy, đọc sách không chỉ đơn thuần là một hình thức để tiếp cận thông tin, mà còn là thái độ, cách ứng xử của chúng ta với tri thức, sách vở; là một trong những hoạt động văn hóa, được gọi là văn hóa đọc.
Tuy nhiên, văn hóa đọc hiện nay nhất là ở giới trẻ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng nổ thông tin, sự xuất hiện của các loại hình đa phương tiện. Theo đó, văn hóa nghe nhìn đang ngày càng lấn lướt văn hóa đọc và thói quen đọc sách đang bị mất dần, mặc dù giữa phương thức đọc và nghe nhìn có sự khác nhau.
Xét về bản chất, cùng một thông tin tiếp nhận nhưng đọc và nghe - nhìn văn hoá đọc và văn hóa nghe - nhìn thuộc hai cấp độ khác nhau. Đọc sách đòi hỏi trí tưởng tượng và khả năng tập trung cao hơn so với nghe nhìn (chỉ lướt qua, ấn tượng được lưu lại không nhiều). Đọc sách là một quá trình suy ngẫm, bồi dưỡng tư duy, mở mang kiến thức và hình thành thế giới quan cho người đọc; còn nghe nhìn bị hình ảnh, âm thanh với tốc độ trôi đi nhanh chóng, nhiều lúc không kịp để suy ngẫm. Chính vì thế mà văn hóa đọc đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá và tiếp thu tri thức một cách hệ thống và sâu sắc mà văn hóa nghe, nhìn khó có thể làm được. Sự tích lũy về văn hóa, vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống, cách sống... chủ yếu thông qua việc đọc. Văn hóa đọc còn giúp ta phân biệt người này với người khác, rộng hơn là làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác; còn văn hóa nghe nhìn thì mang tính toàn cầu, tính giải trí. Vì vậy trong nhận thức, chúng ta không nên phủ nhận, hoặc quá đề cao một phương thức nào đó một cách cực đoan, mà phải thấy được chúng đều là những loại hình văn hóa lành mạnh chỉ bổ sung cho nhau chứ không triệt tiêu lẫn nhau. Từ đó, dù các phương tiện nghe nhìn, Internet... có phát triển mạnh mẽ đến đâu thì văn hóa đọc và sách vẫn được xem là một kênh tiếp nhận thông tin quan trọng của con người.
Đánh giá cao tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 - 16/11/1995), UNESCO đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới”, trong đó nêu rõ mục tiêu và các thành phần tham gia ngày tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả đã cho ra đời những tác phẩm bất hủ. Hưởng ứng chủ trương của UNESCO, trên toàn thế giới đã có hơn 150 quốc gia tổ chức kỷ niệm “Ngày sách và bản quyền thế giới” với nhiều hoạt động thiết thực, thu hút được nhiều người tham gia.
Đối với Việt Nam, sách và văn hóa đọc sách là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, ngoài sách con người còn tiếp thu thông tin qua các phương tiện khác như truyền hình, phim ảnh, Internet... Và những phương tiện nghe nhìn đó đang tỏ ra có nhiều ưu thế, hấp dẫn hơn so với sách, đang có xu hướng lấn át sách và thói quen đọc sách của người Việt đang bị mất dần, nhất là thế hệ trẻ. Nếu như trước kia, sách là một trong những món quà quý giá mà trẻ nhỏ háo hức, mong ước; thì nay những món quà đám trẻ mong muốn thường là các trò chơi điện tử, những chiếc điện thoại thông minh, những cuộc vui chơi giải trí… Từ đó, nhiều ý kiến tỏ ra bi quan về sự lụi tàn của văn hóa đọc.
Để phát huy truyền thống hiếu học và ham đọc sách của dân tộc ta, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam. Theo đó, Ngày sách Việt Nam được tổ chức là nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Qua 3 năm tổ chức, Ngày sách Việt Nam đã được các cấp, các ngành, địa phương tích cực hưởng ứng, nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực đã được diễn ra, góp phần xây dựng không gian văn hóa lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho nhiều đối tượng bạn đọc; khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, qua đó góp phần xây dựng một xã hội học tập. Tuy nhiên, Ngày sách Việt Nam chỉ là một sự kiện góp phần tạo động lực, cú hích cần thiết để dấy lên phong trào đọc sách trong xã hội, nhất là ở giới trẻ. Còn để khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân một cách bền vững; coi việc đọc sách là một nét văn hóa cao đẹp, thì đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội phải vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt và thiết thực; trong đó cần quan tâm một số vấn đề sau đây:
Trước hết, chúng ta cần nhận thức rằng, văn hóa đọc theo nghĩa hẹp, đó là cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân; còn nghĩa rộng, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, muốn phát triển văn hóa đọc phải phát triển cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc sách lành mạnh của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội, của các nhà quản lý và các cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ hai, phải cố gắng hình thành thói quen đọc; tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách đến với đông đảo bạn đọc, giúp cho họ hiểu được lợi ích của việc đọc sách, từ đó khơi dậy niềm say mê đọc sách. Đặt biệt đối với thế hệ trẻ hiện nay, cần phải giáo dục cho các em lòng đam mê đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc sách và đọc sách một cách có chọn lọc…
Thứ ba, Nhà nước cần có những chủ trương lớn nhằm khuyến khích duy trì, phát triển văn hóa đọc trong xã hội; thông qua nhà trường, phương tiện thông tin đại chúng, các cộng đồng dân cư để định hướng, cổ vũ văn hóa đọc.
Thứ tư, hệ thống thư viện các cấp, các ngành, nhất là thư viện trường học cần thay đổi cách thức hoạt động; hãy biến thư viện thành hệ thống thông tin mở để vừa là nơi lưu giữ thông tin vừa là nơi giới thiệu, định hướng bạn đọc tìm đến với những cuốn sách hay, bổ ích của thế giới và Việt Nam. Đây chính là việc làm thiết thực để duy trì, phát huy văn hóa đọc và tôn vinh văn hóa đọc trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
Ngày sách Việt Nam 2017 với chủ đề “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng” là một sự kiện văn hóa hết sức ý nghĩa, tiếp nối truyền thống hiếu học, trọng tri thức của dân tộc Việt Nam được kết tinh qua nhiều thế hệ, hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong xã hội, nhất là tuổi trẻ sẽ lên cao.
Khánh Linh
Nguồn: baolamdong.vn
Nguồn: baolamdong.vn