(QK7 Online) - Người cựu chiến binh trở về đời thường mang trên mình nhiều thương tật. Học theo Bác với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, người lính năm xưa không chỉ ra sức phát triển kinh tế mà còn sáng ngời tinh thần "tương thân, tương ái", hỗ trợ, giúp đỡ những đồng đội, nhiều gia đình chính sách. Ông góp phần tô điểm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Con đường quê do ông Thắng hiến đất mở rộng.
Nhớ về đồng đội
Nằm lọt thỏm trong cánh đồng ruộng mênh mông tại ấp 4, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, căn nhà nhỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng - thương binh hạng 1/4, khá yên tĩnh. Nơi đây, phương tiện đi lại khó khăn khi những chiếc cầu bắc qua sông cứ “lắc lư”. Bao quanh căn nhà ông ở là bờ sông với cánh đồng lúa xanh mượt. Khung cảnh yên bình này là nơi cư ngụ ấm áp của gia đình ông Thắng.
Ông Thắng năm nay bước sang tuổi 72. Dáng người gầy, nước da đen sạm, gương mặt khắc khổ đậm chất nông dân nhưng ở ông thể hiện tinh thần chịu khó trong lao động. Vừa tự tay chăm chút cho những cây ăn trái quanh nhà, ông kể cho tôi nghe về chuyện đời mình. Trò chuyện với ông một lúc, tôi phát hiện một bên mắt của ông không còn nguyên vẹn. Ông cười nói: “Một bên mắt đó bị trúng đạn trong lúc đánh trận khi tui mới mười mấy tuổi. Nhưng tui còn lại một con mắt, vẫn đánh địch như thường”.
Ông Thắng quê ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 11 tuổi, ông tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ tại Tiểu đoàn 516A với địa bàn hoạt động chủ yếu tại tỉnh Bến Tre. Gần 10 năm tham gia chiến trường với vai trò Trưởng đội Trinh sát, ông Thắng từng chết “hụt” mấy lần. Chiến tranh kết thúc, người lính ấy trở về quê với thân hình không được lành lặn. Dù kinh tế chật vật nhưng khi nghĩ về những đồng đội hy sinh và nằm lại nơi bưng biền làm lòng ông đau nhói. Từ trăn trở đó, ông liên hệ nhiều người bạn kháng chiến cũ và cán bộ kháng chiến địa phương đi tìm kiếm hài cốt các đồng đội của mình đưa về nghĩa trang hoặc quê nhà để an táng.
Hành trang cho những chuyến đi của ông khá đơn sơ, chỉ có cuốc và cái xẻng,... Công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bắt đầu từ những năm 1976, khi đó ông chỉ nghĩ đơn giản là tìm kiếm những hài cốt đồng đội mà ông tận tay hoặc chứng kiến quá trình chôn cất. “Hễ nghe tin báo của người dân về mộ liệt sĩ là tui chuẩn bị khăn gói lên đường. Trong suốt quãng đường đi, tui cố nhớ lại nơi nào từng có đồng đội ngã xuống, rồi dừng lại đào đất, xới cỏ để đưa hài cốt về. Với tui, niềm hạnh phúc lớn nhất là đưa được đồng đội ngày xưa trở về quê hương một cách êm ấm” - ông Thắng nói.
Thế nhưng càng về sau, ông lại càng ngậm ngùi bởi hành trình tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Mỗi ngày, mỗi tháng trôi đi, cơ hội để đưa đồng đội về nơi “chôn nhau, cắt rốn” càng trở nên hiếm hoi. Ông Thắng bộc bạch: “Ngày xưa, mình là bộ đội, đã chứng kiến nhiều người ngã xuống ngay trước mặt cho nên quay quắt không yên. Hơn nữa, mình thương đồng đội của mình thì mình làm thôi chứ nghĩ gì đâu”.
Âm thầm, lặng lẽ cho những cuộc hành trình đi tìm đồng đội đầy gian nan, để đem về những hài cốt liệt sĩ trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình và địa phương. Cứ thế, mấy chục năm trôi qua, ông dành không ít thời gian để tìm kiếm, đưa hàng chục hài cốt liệt sĩ về an nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ của xã, huyện, tỉnh.
“Có đáng là bao…”
Mang trong mình vết thương chiến tranh, những lúc trái gió trở trời lại đau nhức nhối. Nhưng chưa bao giờ người lính già này cho mình thời gian nghỉ ngơi, bởi còn rất nhiều mộ liệt sĩ chưa tìm ra, người thân họ khắc khoải chờ đợi từng ngày.
Ông Thắng chia sẻ, việc tìm kiếm hài cốt khá nhiêu khê, bởi chiến trường năm xưa nay trở thành những khu vườn trái cây xum xuê hoặc những cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát; sơ đồ chôn cất đồng đội năm xưa giờ thay đổi theo quy luật phát triển và không còn hiện trạng cũ.
“Hồi đó tui đi đánh trận ở nhiều huyện cũng tự tay chôn cất đồng đội nhưng giải phóng rồi hài cốt thất lạc khá nhiều. Tui còn nhớ lúc đó là Mậu Thân năm 1968, tại ấp 1, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành (Bến Tre) 6 người nữ chiến sĩ mà lúc bấy giờ tui gọi là dì, là mẹ đã hy sinh trước mắt tui... Tự tay tui đào đất chôn cất. Thế nhưng, sau này về tìm lại vì trải qua thời gian dài bị bom càn, đào xới mất không ít thời gian nhưng may mắn tìm lại được. Mỗi lần tìm kiếm được thi thể đồng đội, tui không kìm nén được sự xúc động và cũng mừng lắm. Nhưng tất cả những chuyện này có đáng là bao, tui may mắn sống sót, còn đồng đội của mình thì mãi nằm lại nơi miền đất lạnh...” - ông Thắng ngậm ngùi.
Sau này, vì cuộc sống quê nhà quá khó khăn nên ông cùng vợ và người con trai đến lập nghiệp tại huyện Thạnh Hóa. Gần 30 năm ở Long An, ông Thắng cùng gia đình xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Vượt qua bao khó nhọc, thiếu thốn đủ bề, người thương binh năm nào ra sức phát triển kinh tế, xây dựng một cuộc sống ổn định. Từ việc tham gia cánh đồng lớn, năng suất lúa của gia đình tăng cùng với nuôi cá lóc và gia cầm, ông mua được 3,2ha đất ruộng. Nhiều năm liền, ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Người dân nơi đây không chỉ khâm phục ông Thắng ở tinh thần cầu tiến mà còn ở tấm lòng của ông đối với hộ nghèo, những gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, đơn chiếc. Đó là việc ông từng đi khuân vác vật liệu xây dựng hỗ trợ một gia đình chính sách cất nhà tình nghĩa. Hay đó còn là việc ông vận động hội viên, cựu chiến binh và người dân trong ấp chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Ông còn hỗ trợ xây dựng những căn nhà tình thương và nhà tình nghĩa, sửa chữa cầu nông thôn với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, khi nhìn thấy giao thông còn trắc trở, ông vận động xây mới cầu, rải đá xanh, hiến đất mở đường giao thông nông thôn; xây dựng 1 cống hở phục vụ sản xuất nông nghiệp,...
Chia sẻ về những việc mình làm, ông Thắng cho hay: “Mình thương dân, nhất là những gia đình chính sách thì mình làm thôi. Tui xem những việc làm đó như là đền đáp một phần công ơn với những gia đình có người thân hy sinh trong các cuộc chiến”. Hiện nay, tuổi cao nên hầu hết đất ruộng ông chuyển cho con trai trồng sen lấy ngó. Riêng ông cùng vợ chăm sóc mảnh vườn nhỏ ở quanh nhà. Khu vườn này với đủ loại trái cây từ dừa, xoài, cam,... vừa để thỏa niềm đam mê làm vườn, vừa dùng làm quà biếu và thi thoảng có bán một ít với giá "hữu nghị" cho người dân địa phương.
Dù hiện tại, cuộc sống vẫn chưa thật đủ đầy nhưng ông rất mãn nguyện: “Tui bây giờ già rồi, hành trình tìm đồng đội có lẽ sẽ khó hơn. Tui không mong gì nữa, nhà cửa như vậy cũng được rồi. Nhưng nếu địa phương có cần xác nhận thông tin về tìm kiếm hài cốt hay cần hỗ trợ gì, tui vẫn rất sẵn lòng”. Có chăng chỉ là Huân chương kháng chiến, những bằng khen của các cấp, các ngành về thành tích trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, người có công với cách mạng tiêu biểu,... là thứ mà ông Thắng “nhận” cho riêng mình.
Thanh Nga