Do âm mưu thâm độc của chủ nghĩa đế quốc, sau khi thực dân Pháp thua trận rút khỏi Việt Nam, chúng đã thoả hiệp với đế quốc Mỹ, nhằm thôn tính nước ta, nên Hiệp định Giơ ne vơ không được thực hiện, cuộc Tổng tuyển cử thống nhất đất nước không diễn ra. Để rồi 12 năm sau đó, tại địa danh này có một cuộc "trường chinh bi tráng" của trên 3 vạn trẻ em, còn gọi là "Chiến dịch K8", đó là hàng vạn học sinh tuổi từ 5 đến 15 từ đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị), Quảng Bình gồm chủ yếu con em ở Vĩnh Linh và một số con em ở các vùng giáp ranh của các huyện Gio Linh, Cam Lộ vượt tuyến sang bờ Bắc, đi ra các tỉnh phía Bắc, chiến dịch bắt đầu từ tháng 8 năm 1966 đến cuối năm 1967, là một cuộc "trường chinh" có một không hai trong lịch sử dân tộc Việt Nam...
Anh Trần Quang Tĩnh cùng với kỷ vật thời k8 do anh tái hiện.
Để tồn tại, quân - dân Vĩnh Linh đã đào hàng trăm địa đạo xuyên sâu vào lòng đất từ 8 đến 28 m và hàng trăm km giao thông hào liên thôn, liên xã, từ làng quê ra đồng ruộng để đi làm, lên đồi núi để né tránh bom đạn.
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu đã quyết định đưa hơn 3 vạn thiếu niên, nhi đồng Vĩnh Linh 5-15 tuổi ra các tỉnh miền Bắc để gìn giữ sự sống cho các em, để gìn giữ lực lượng và nòi giống chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ và ác liệt không thể lường trước tổn thất, cuộc hành trình ra đi để lớn lên, trưởng thành để trở về, để bay xa hơn tham gia xây dựng quê hương, đất nước.
Trung ương đã lập ra một ban chuyên trách về chiến dịch gọi là Ban K8 do Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Trần Hữu Dực làm trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Tất Đắc đặc trách chiến dịch, với chủ trương nhằm di chuyển những người không thể cầm súng đánh giặc ra khỏi vùng huỷ diệt của chiến tranh.
Trên hành trình của cuộc "trường chinh" này, tại các tỉnh từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Hà, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình... đều có ban chuyên trách riêng để tiếp nhận, giúp đỡ các em.
Những đoạn đường bị máy bay bắn phá ác liệt, đoàn phải dừng lại lưu trú tại các hộ dân ven đường. Đêm xuống, lại tiếp tục băng rừng, lội suối. Cuộc hành trình cứ thế diễn ra trong đêm, dưới ánh trăng khi tỏ, khi mờ, giữa ánh pháo sáng, giữa tiếng thâm u của núi rừng. Từng đoàn em nhỏ lóc nhóc chỉ biết nắm lấy áo nhau đi trong đêm tối.
Ông Nguyễn Xuân Văn, cựu học sinh K8, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên –Môi trường Tây Ninh nhớ lại: Đêm 28-7-1967, khi xe chở 40 học sinh Vĩnh Hiền xuất phát lần thứ hai, ra tới dốc Mỹ Trung (thuộc huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), xe trúng bom bị hất văng xa 30m, trên xe có 40 học trò, hai thầy giáo cùng hai anh bộ đội lái xe thì đã chết hết 39 học sinh, một thầy giáo và hai anh bộ đội, chỉ một em học sinh và một thầy giáo sống sót.
Đó có lẽ là một trong những ký ức đau thương nhất mà những ai đã từng đi qua bom đạn chiến tranh, cùng vượt qua những vất vả của cuộc "trường chinh bi tráng" không thể nào quên.
Kết thúc "Chiến dịch K8" thắng lợi, Trung ương Đảng tiếp tục lên kế hoạch K10 thực hiện trong 2 năm (1968-1969), để di chuyển các cụ già, phụ nữ có con nhỏ dưới 5 tuổi ra các xã vùng đồi núi thuộc huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Cuộc di chuyển cũng vô cùng gian truân và nguy hiểm.
Cựu học sinh k8 năm xưa họp măt tại Tây Ninh
Chiến dịch K8, được chia thành nhiều đợt, diễn ra trong gần 2 năm (1966-1967), theo thứ tự ưu tiên con các gia đình liệt sĩ và các xã ác liệt hơn được đi trước trong năm 1966 và đầu năm 1967.
Anh Trần Quang Tĩnh –nguyên Phó Giám đốc Công ty Khai thác thủy lợi Tây Ninh, cựu học sinh K8, chia sẽ những ngày sống xa gia đình nhưng được sự yêu thương, đùm bọc của bà con miền Bắc: Những tình cảm, sự quan tâm thương yêu đùm bọc của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là các gia đình nhận nuôi học sinh K8 còn hằn sâu trong ký ức của chúng tôi không bao giờ phai. Sống trong gia đình như người thân ruột thịt. Thầy- mẹ nuôi phải chạy thuốc men, cơm cháo khi ốm đau. Những đêm mùa hè nóng bức, mẹ nuôi thức quạt cho chúng tôi ngủ.
Có được đến ngày hôm nay, lực lượng học sinh K8 năm xưa ai ai đều ghi lòng, tạc dạ công ơn trời biển của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu, của các tỉnh đã cưu mang, đùm bọc, nuôi dạy học sinh K8.
Đại tá Phan Văn Chương, nguyên Trưởng công an thành phố Tây Ninh, nguyên Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh, tâm sự: Sự sáng suốt của TW Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã che chắn, bảo vệ cho trên 3 vạn học sinh ở Vĩnh Linh, được an toàn trọn vẹn, cắp sách đến trường học chữ, học nghề, để rồi trở thành những cử nhân, bác sĩ, những nhà giáo, giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ, những sĩ quan trong lực lượng công an, quân đội... Nhiều học sinh K8 đã được các cơ quan trực thuộc TW, Bộ, các cấp chính quyền, sở- ngành địa phương tín nhiệm giao những trọng trách quan trọng và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao cho. Chúng tôi luôn ơn Đảng, ơn Bác Hồ, ơn những người dân cưu mang, nuôi dưỡng như con ruột để chúng tôi có được như ngày hôm nay.
Tại Tây Ninh, theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 30 cựu học sinh K8, K10 đang sinh sống làm việc. Gặp lại các anh, những cựu học sinh K8 sống và công tác trên đất Tây Ninh nay đã nghỉ hưu, những mái đầu đã bạc, vết nhăn của tuổi tác đã hằn sâu trên má, nhớ về 50 năm trước, ai cũng mắt đỏ hoe, bùi ngùi, xúc động. Các anh mong muốn có được một Ban liên lạc những người K8, K10 năm xưa. Để biết ai còn, ai mất, sự trưởng thành đóng góp cho quê hương đất nước của học sinh K8, từ vùng đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình. Không phải để ghi danh thành tích mà để cùng nhau ôn lại kí ức bi hùng một thời hoa lữa, để ơn Đảng, ơn Bác, tri ân những người, những gia đình cưu mang, giúp đỡ và cũng để giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.