Tầm nhìn từ "cánh đồng năng lượng"
Đang ở cao điểm mùa mưa nhưng vùng biên giới huyện Lộc Ninh (Bình Phước) vẫn nắng nóng gay gắt. Tuyến giao thông từ trung tâm huyện lên vùng biên giới dù đã được đầu tư xây dựng tương đối bài bản nhưng vẫn chưa đủ để khỏa lấp cảm giác hoang hoải của một vùng rộng lớn đất đai cằn cỗi, hoe vắng bóng người. Quyết tâm xanh hóa vùng đất hoang vu dọc tuyến biên giới này đã được tỉnh Bình Phước triển khai từ nhiều năm nay, nhưng chưa có phương án khả thi. Nhiều doanh nghiệp đã thí điểm đưa các loại cây công nghiệp như cao su, điều, tiêu... lên trồng ở đây nhưng do mùa khô thiếu nước trầm trọng nên cây không phát triển. Có những vạt cao su thưa thớt trồng từ 5 năm trước, đến nay vẫn khẳng khiu như những cái roi ngựa, cao không quá đầu người...
Những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước thay đổi tư duy, xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án lưỡng dụng trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa lợi thế đặc trưng. Mô hình điện năng lượng mặt trời là một trong những hướng đột phá chiến lược. Ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước lý giải: “Vùng đất hoang hóa, đất cằn đá sỏi ở vùng biên giới huyện Lộc Ninh không phù hợp để phát triển nông nghiệp, nhưng lại là điều kiện lý tưởng để triển khai dự án năng lượng sạch”. Năm 2018, được sự đồng ý của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với Tập đoàn Hưng Hải triển khai dự án năng lượng mặt trời. Giai đoạn 1, dự án triển khai trên vùng đất rộng hơn 800ha, quy mô 5 nhà máy điện.
Đưa chúng tôi đi tham quan dự án, ông Nguyễn Văn Kiểm, Chánh Văn phòng Tập đoàn Hưng Hải, chi nhánh Bình Phước cho biết, đến nay, dự án đã hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc, dự kiến sẽ đóng điện, hòa lưới điện quốc gia vào tháng 12 năm nay.
Ngồi trên xe ô tô chạy dọc các trục đường trong vùng dự án, chúng tôi có cảm giác như đang lướt trên một cánh đồng khổng lồ dày đặc các trụ bê tông đỡ tấm pin năng lượng mặt trời, được thiết kế, xây lắp theo hàng lối, khu vực đều tăm tắp, phơi mình đón nắng. Dự án thu hút hơn 3.000 lao động ở địa phương với mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Sau khi khánh thành giai đoạn 1, Tập đoàn Hưng Hải bắt tay ngay vào khởi công giai đoạn 2, với diện tích lên đến hơn 1.000ha. Đây là “cánh đồng năng lượng” kiểu mẫu, quy mô lớn nhất cả nước từ trước đến nay.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước: Việc triển khai “Cánh đồng năng lượng” này vừa góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng biên giới, giải quyết việc làm cho nông dân, đóng góp khoảng 5% tổng thu ngân sách hàng năm của tỉnh, vừa góp phần củng cố khu vực phòng thủ địa phương, xóa “vùng trắng” dân cư trên tuyến biên giới, xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh vững mạnh. Dự án này mở ra tầm nhìn mới, thu hút các nhà đầu tư tham gia các dự án vệ tinh, liên kết phát triển lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ địa bàn biên giới.
Ổn định dân cư, chăm lo an sinh xã hội
Bình Phước có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia dài hơn 240km, đi qua địa bàn các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập. Với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền với Bộ đội Biên phòng và lực lượng vũ trang địa phương, thực hiện tốt công tác đối ngoại, Bình Phước là tỉnh đầu tiên hoàn thành việc phối hợp phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới với nước bạn Campuchia (28 mốc chính, 353 mốc phụ). Tuyến đường tuần tra biên giới đi qua các huyện biên giới trên địa bàn tỉnh cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh thúc đẩy các chương trình, dự án lưỡng dụng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Một trong những chương trình được ưu tiên, thu hút các nguồn lực xã hội triển khai là các dự án xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng trên tuyến biên giới. Tuần qua, Bình Phước vừa tổ chức khánh thành 7 điểm dân cư biên giới trên địa bàn hai huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, bàn giao 35 căn nhà cho các hộ dân tình nguyện lên biên giới lập nghiệp. Hiện, Bình Phước đang tiếp tục đầu tư, triển khai hoàn thành 4 cụm dân cư biên giới theo Chương trình 33/CP của Chính phủ với 1.041 hộ dân trên diện tích 931ha; bố trí ổn định dân cư 15 xã biên giới.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2016-2020, Bình Phước thu hút đầu tư trong nước được 784 dự án với số vốn đăng ký 58.890 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016-2020 là 4.850 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 46.200 tỷ đồng, tăng 64,5% về số doanh nghiệp và tăng 2,3 lần về số vốn. Thành lập mới 160 hợp tác xã, tăng 83% so với giai đoạn 2011-2015. Nhiều dự án đầu tư trong số đó được triển khai trên địa bàn biên giới theo hướng lưỡng dụng, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.