Các cựu binh Đoàn tàu không số tại bến K15, điểm xuất phát đường Hồ Chí Minh trên biển (Đại tá Phạm Duy Tam đứng thứ 3 từ phải sang)
Trong căn hộ ở chung cư An Cư (TP Thủ Đức – TP.HCM), Đại tá Phạm Duy Tam lật từng tấm hình, xem từng trang tài liệu, lần tìm về những ức ký một thời hào hùng của mình. Ở tuổi thất thập và hàng tuần vẫn đến bệnh viện Quân y 175 chạy thận nhưng trí nhớ của ông vẫn tốt. Dường như những chuyến tàu Không số chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí ông. Từng chuyến đi biển được ông kể lại thật nhẹ nhàng và cụ thể đến từng chi tiết.
Tháng 4-1963, ông nhập ngũ rồi chuyển xuống tàu Hải quân ở sông Gianh, sau đó được cử đi học Trường Sĩ quan Hải quân. Tốt nghiệp vào đầu năm 1969, ông được điều về công tác tại Đoàn 125 Hải quân, với chức danh thuyền phó tàu 42 vận chuyển hàng đặc biệt và vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Năm 1972, ông được cử làm thuyền trưởng.
“Hồi đó khó khăn, tàu không được trang bị vũ khí, máy móc, khí tài hiện đại như tàu hải quân ta hiện nay. Tàu chỉ có một la bàn từ, một đồng hồ thiên văn, một quả bầu trời sao, một máy 1/6 để đo mặt trời, trăng, sao và một bộ kính thiên văn, không có định vị, la bàn con quay, máy đo sâu, máy tính đường, máy móc thông tin liên lạc chủ yếu đánh moóc tạch tè. Việc xác định hướng và vị trí vô cùng khó khăn nếu không có kinh nghiệm và kỹ thuật đo đạc thiên văn” - Đại tá Phạm Duy Tam nhớ lại.
Thường trước mỗi chuyến đi, đội tàu phải chuẩn bị đầy đủ một tháng lương thực, thực phẩm khô và tươi, dầu, nước các loại (tất cả đều không có nhãn hiệu). Mọi hoạt động đi chợ, nấu ăn đến công tác bảo vệ đều nghiêm ngặt. Trong 4-5 ngày, toàn tàu tập trung huấn luyện sử dụng các loại vũ khí, luyện tập xử lý tình huống có thể xảy ra trên biển, các phương án rời tàu, đánh bộc phá khi cần phá hủy tàu…
Có một điều không thể không thực hiện, đó là lễ truy điệu sống cho những người đi làm nhiệm vụ trên các chuyến tàu Không số. Đại tá Phạm Duy Tam tâm sự: “Những người ở lại từ thủ trưởng Bộ Tư lệnh cho tới đồng đội đều không cầm lòng được. Họ coi chúng tôi là những cảm tử quân vì sự sống và cái chết quá mong manh. Phía trước là bão tố, là bom rơi đạn nổ và mất mát, hy sinh; phía sau là tiếng gọi quê hương thôi thúc. Tàu thì nhỏ mà biển khơi bao la, kẻ thù rình rập. Nhưng không ai sờn lòng. Chúng tôi hiểu mỗi khẩu súng, thùng đạn, hộp thuốc... vào chiến trường miền Nam là quý giá vô ngần. Vì thế, từng chuyến tàu lên đường trên “con đường mòn” mới mang ý nghĩa đặc biệt bên cạnh đường Hồ Chí Minh trên dải Trường Sơn”.
“Một nguyên tắc bất di bất dịch là bí mật con đường. Do đó, trong trường hợp bị địch phát hiện, truy kích, có khi phải tự dùng bộc phá để phá hủy tàu, nhằm không để người và vũ khí lọt vào tay giặc và để lộ tuyến đường biển trọng yếu này” - ông nhấn mạnh.
Gần chục năm lênh đênh cùng các con tàu Không số, Đại tá Phạm Duy Tam có 7 lần được “truy điệu sống”. Nhiều chuyến đi của ông và đồng đội gặp bão tố và sự theo dõi gắt gao của kẻ địch nhưng nhờ sự mưu trí, khôn khéo và tinh thần quả cảm, họ đã vượt qua tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau ngày đất nước thống nhất, Đại tá Phạm Duy Tam (người cầm vô lăng) nhiều lần cùng những người lính ở Trường Sa điều khiển tàu, canô vào đảo Song Tử Tây.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với Đại tá Tam là chuyến đi trên tàu 42 trinh sát mở tuyến đường mới trên biển Đông, chuẩn bị chiến dịch vận chuyển vũ khí vào miền Nam sau một thời gian tạm dừng do bị Mỹ - Ngụy phát hiện.
Chuyến đi này tàu không chở vũ khí mà chở 45 tấn dầu, với nhiệm vụ phải thăm dò các hành lang, các kế hoạch phòng thủ, tuần tiểu và mạng lưới quan sát trên không, trên biển, dọc bờ biển miền Nam; nắm bắt quy luật hoạt động của tàu chiến, máy bay địch, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn của địch khi gặp tàu của ta.
Ông kể: ngày 20-8-1969, tàu 42 rời khu neo đậu bí mật, xuyên qua vịnh Bắc Bộ và các vùng biển Trung Quốc, Malayxia, Thái Lan và Campuchia. Suốt hành trình, tàu không treo biển số hoặc tên tàu cố định, cũng không treo quốc kỳ của nước nào. Hơn 10 ngày đêm, vượt hơn 5.000 hải lý, tàu đến khu vực đảo Phú Quốc, tiếp tục đến đảo Thổ Chu vào ngày 1-9-1069. Tuy không phát hiện động tĩnh của địch nhưng mọi người đều hết sức cảnh giác.
Đến ngày 3-9, mọi việc trở nên bất lợi. Bầu trời, mặt biển u ám và tầm nhìn xấu. Nhiều máy bay trinh sát của Mỹ bắt đầu bám theo. Rồi đồng chí trực ca phát hiện một tàu chiến xuất hiện cách mũi tàu khoảng 5 hải lý. Mọi người nhanh chóng vào vị trí chiến đấu, chuẩn bị điểm hỏa bộc phá khi cần phá hủy tàu.
“Có 4 tàu khu trục Mỹ nên nếu không mưu trí sẽ dễ dẫn đến đối đầu không cân sức. Tôi quan sát những tàu này. Chúng nằm chắn ngang trên hướng đi của tàu chúng tôi và đã sẵn sàng nã đạn. Thời gian rất ngắn. Nếu thay đổi hướng đi nhất định tàu Mỹ sẽ nghi ngờ và có thể xảy ra chiến đấu. Chi ủy quyết định “đường ta, ta cứ đi”. Vì đây là đường hàng hải quốc tế. Coi như không có việc gì xẩy ra” - giọng ông rành rọt.
“Tàu địch vẫn liên tục bám theo. Ban ngày dõi theo từ xa, đêm thì đến gần hơn, có khi nhìn thấy đèn mạn xanh đỏ trên tàu. Chúng muốn vây, ép tàu 42 vào các bãi cạn, san hô, đá ngầm. Có lúc tàu Mỹ cố tình lao thẳng vào tàu chúng tôi, song gần đến nơi chúng tự bẻ lái tránh. Cứ như vậy, gần cả tuần trên biển, chúng không đánh hơi được gì, đành phải bỏ đi. Cuộc đấu trí ấy chúng tôi đã thắng. Địch không thể thắng được sự kiên trì, chủ động, linh hoạt, mưu trí và quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch mà chúng tôi đề ra. Đến ngày 9-9-1969, tàu chúng tôi cập bờ an toàn sau chuyến đi nghẹt thở” - giọng ông hào hứng.
Sau chuyến trinh sát dài nhất của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển năm 1969 đó, nhiều con tàu Không số chở đầy hàng đặc biệt và vũ khí đã vào miền Nam thành công. Trong đó, chuyến đi của tàu 154 là chuyến đầu tiên góp phần chi viện đắc lực cho quân và dân miền Nam. Không phải ngẫu nhiên Hải quân Mỹ, ngụy lại đặt cho những con tàu Không số cái tên “Những con ma trên biển”. Điều đó thể hiện sự sợ hãi và bất lực của chúng.
Đại tá Phạm Duy Tam (bên phải) cùng các thuyền trưởng tàu không số thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hướng về bức ảnh Bác Hồ đội mũ chiến sĩ Hải quân được treo trang trọng trên tường, giọng ông trầm buồn: “Chuyến đi biển giữa tháng 8-1969 với chúng tôi không chỉ đáng nhớ vì gặp hiểm nguy, căng thẳng nhất mà còn bởi nhận tin Bác mất ngay trong những ngày lênh đênh trên biển”.
Lúc đó, tàu đến ngang bờ biển Phan Thiết, cách đất liền khoảng 120 đến 150 km thì nhận được bức điện tối khẩn “Bác Hồ của chúng ta đã ra đi, nhưng các đồng chí không được treo cờ tang, không được để tang, đặc biệt mọi người hành động phải thật bình thường, tuyệt đối không được để cho kẻ địch phát hiện dấu hiệu gì nghi ngờ đó là tàu của Bắc Việt Nam”.
“Trong niềm tiếc thương vô hạn, chúng tôi chỉ biết khóc thầm, cố nén đau thương thành hành động, nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ sớm về đơn vị để tang Bác. Vừa cập bờ an toàn, chưa kịp mừng, tất cả chúng tôi nước mắt giàn giụa trước nỗi đau quá lớn này. Được phép của cấp trên, tàu 42 đã để tang Bác một ngày và cho tàu trở về cảng K20 của đơn vị” - giọng ông nghèn nghẹn.
Cả cuộc đời ông gắn bó với Hải quân, với biển. Từ thuyền trưởng, ông lên Hải đội trưởng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 161, Phó chỉ huy trưởng Vùng 3 Hải quân rồi Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân cho đến tháng 10-2004 nghỉ hưu. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.