Trải qua nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn luôn đoàn kết, đồng lòng, viết nên truyền thống “Kiên cường, dũng cảm - Đoàn kết, hiệp đồng -Tự lực, tự cường- Đã đánh là thắng”.
Truyền thống vẻ vang của Lữ đoàn 71 anh hùng được ghi dấu bằng chiến công đầu tiên trong chiến dịch Nguyễn Huệ, năm 1972. Sau 7 ngày đêm hành quân liên tục, vượt qua địa hình rừng núi hiểm trở và sự đánh phá ác liệt của địch, đơn vị nhanh chóng chiếm lĩnh xây dựng trận địa đúng ý định chiến đấu. Ngay từ loạt đạn đầu, pháo phòng không của trung đoàn đã tiêu diệt máy bay F4, khiến quân địch hoang mang, lo sợ, không dám liều lĩnh ném bom oanh tạc. Chiến công vang dội trong trận đầu ra quân khẳng định khả năng, sức mạnh lực lượng phòng không của ta trên chiến trường B2, đánh dấu bước trưởng thành về tổ chức lực lượng, trình độ chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng; đồng thời chấm dứt thời kỳ tự do oanh tạc bầu trời Đông Nam Bộ của không quân Mỹ.
Trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, trung đoàn được giao nhiệm vụ tiêu diệt các phương tiện tập kích đường không, đánh địch đổ bộ và bắn chi viện cho bộ binh. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Pháo Phòng không 71 phát huy cao độ tính năng của vũ khí, trang bị; làm tốt công tác ngụy trang, nghi binh, cơ động đón lõng máy bay, chi viện có hiệu quả cho các đơn vị của ta tiêu diệt địch trong công sự vững chắc, giải phóng tỉnh Phước Long.
Một sự kiện ghi dấu bước trưởng thành của trung đoàn là, ngày 18-2-1975, trung đoàn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định nâng lên thành Lữ đoàn 71. Ngay sau đó, lữ đoàn được giao nhiệm vụ phối thuộc chiến đấu, chi viện hỏa lực trên các hướng tiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Lữ đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắn rơi 31 máy bay các loại, bắn cháy 3 xe thiết giáp M113, chi viện kịp thời cho bộ binh tiêu diệt các mục tiêu kiên cố, tiến vào nội đô Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...
Kết thúc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, lữ đoàn lại tiếp tục lên đường làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn Campuchia. Năm 1983, lữ đoàn trở về nước tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ trong điều kiện mới.
Tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang, Lữ đoàn 71 đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng với nhiều hoạt động sôi nổi, toàn diện, đạt được những kết quả thiết thực. Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng bản lĩnh chính trị tinh thần cho bộ đội kết hợp với tổ chức chặt chẽ các phong trào thi đua luyện giỏi, rèn nghiêm, SSCĐ cao; tăng cường giáo dục để bộ đội nắm chắc nội dung “4 biết” trong quản lý vùng trời (biết thông báo, dự báo bay; biết máy bay bay hay chưa bay; bay đến đâu biết đến đó; biết hành động bay trên không) và “4 được” trong xử lý tình huống tác chiến phòng không (quan sát phát hiện được, chuyển cấp được, bắn được, tiêu diệt được); đồng thời khuyến khích phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng huấn luyện thường xuyên; duy trì chặt chẽ chế độ canh trực, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; chủ động xây dựng và luyện tập thuần thục các phương án SSCĐ trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Cùng với đó, Lữ đoàn phát động phong trào cán bộ nêu gương trong huấn luyện, rèn luyện và sinh hoạt hằng ngày. Tùy theo nhiệm vụ và công việc được giao, cán bộ các cấp chủ động nêu gương, mẫu mực để chiến sĩ học tập, noi theo, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động. Cụ thể hóa phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ), các cơ quan, đơn vị toàn Lữ đoàn triển khai thành nhiều biện pháp, mô hình hiệu quả, trong đó có nhấn mạnh mô hình “Trên mẫu mực làm trước, dưới tích cực làm theo”. Nhờ đó, đơn vị có nhiều chuyển biến vững chắc, tập thể đoàn kết, đồng lòng; đội ngũ cán bộ, chỉ huy không ngừng tiến bộ, làm tròn chức trách theo phân cấp.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và xây dựng lữ đoàn đến năm 2030 “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” đáp ứng tốt mọi tình huống, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn tập trung lãnh đạo phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị anh hùng, tích cực thi đua luyện giỏi, rèn nghiêm, công tác tốt. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, lữ đoàn vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu", hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, tô thắm thêm truyền thống 50 năm của Lữ đoàn 71 anh hùng.