(QK7 Online) - Cách đây 104 năm, ngày 5-6-1911, tại Bến Nhà Rồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó là một thanh niên yêu nước 21 tuổi, đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Khi rời Bến Nhà Rồng, Người chỉ nung nấu một ý chí cháy bỏng là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Cuộc hành trình dài 30 năm đã đưa Người qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia trên thế giới. Năm 1920, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc được đọc bản sơ khảo lần thứ nhất Những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Khi kể lại sự kiện quan trọng này, Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tuyên dương các điển hình tiên tiến
trong lực lượng vũ trang quân khu giai đoạn 2010-2015.
Ảnh: T.A
Từ thực tế lao động, học tập, thâm nhập đời sống của những người lao động, phân tích tình hình chính trị thế giới, tiếp cận với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản mà sau này Người đã đúc kết: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Sau 30 năm tìm đường cứu nước, năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành lại chính quyền về tay nhân dân, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập và dân chủ.
Kỷ niệm 104 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7 hôm nay càng khắc ghi lời dạy của Người: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đang tích cực thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với những việc làm ý nghĩa, thiết thực. Đó là tinh thần hăng say rèn luyện trên thao trường với phương châm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”; là bản lĩnh chính trị vững vàng, không lùi bước trước những khó khăn, gian khổ, kể cả hiểm nguy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đại đội bộ binh huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) đã xây dựng phong trào “Hũ gạo tình thương” để giúp đỡ các cháu học sinh nghèo của trường Tiểu học Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Hàng ngày, mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ tiết kiệm một nắm gạo trong tiêu chuẩn của mình, bỏ vào hũ gạo tiết kiệm để giúp đỡ học sinh nghèo. Với mô hình này cùng với quỹ tăng gia sản xuất và chương trình “kế hoạch nhỏ” của chi đoàn, đơn vị đã nhận đỡ đầu 20 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 1 triệu đồng/em/học kỳ cùng với sách vở và đồng phục. Ngoài hỗ trợ về kinh phí, tranh thủ ngày nghỉ, đơn vị còn cử cán bộ, chiến sĩ đến dạy thêm cho các cháu học sinh.
Còn thượng úy Hà Minh Chương, Chính trị viên Đại đội vệ binh, Tiểu đoàn Vệ binh 180 Bộ Tham mưu Quân khu 7 là một điển hình thanh niên làm theo lời Bác. Trên cương vị là Chính trị viên đại đội, anh luôn tích cực học tập, nâng cao trình độ, thường xuyên kiểm tra sâu sát đến từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, cùng ban chỉ huy đại đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh tâm niệm học Bác là một quá trình phấn đấu lâu dài, liên tục. Theo anh, là một cán bộ sĩ quan trẻ, phải học ở Bác đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; phải “tâm sáng, lòng trong”, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
TUẤN NGHĨA