Để tìm hướng thoát nghèo cho gia đình, năm 2018, ông mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư nuôi bò. Ban đầu vốn ít và chưa có kinh nghiệm nên gia đình mua 2 con bò cái tơ về nuôi.
Sau nhiều lần tìm tòi, học hỏi các nơi, học các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông tự mình tiêm phòng bệnh dịch cho bò, đầu tư chuồng trại...từ đó số lượng đàn bò được tăng lên theo từng năm, giảm rất nhiều chi phí phát sinh khác.
Không dừng lại ở đó, năm 2018 ông được Hội CCB huyện và Câu lạc bộ doanh nghiệp, doanh nhân CCB tỉnh Long An hỗ trợ 20.000.000 triệu đồng để mua thêm con giống và sửa chữa chuồng trại. Nên hiện nay, đàn bò của gia đình ông tăng lên 7 con (5 con cái và 2 con thịt). Ngoài việc tận dụng đất ruộng để trồng cỏ làm thức ăn cho bò, ông còn tận dụng nguồn phân bò để nuôi trùn quế.
Hiện nay ông còn cung cấp con giống cho các thành viên Câu lạc bộ CCB chăn nuôi bò của xã, mô hình kết hợp này mang lại hiệu quả cao, phế phẩm sau nuôi trùn quế được vận dụng làm phân trồng cỏ và hoa màu, trung bình mỗi năm thu nhập từ việc bán bê con, bò thịt và con giống trùn quế, gia đình ông có lãi từ 100 - 200 triệu đồng, vươn lên ổn định cuộc sống.
Gia đình CCB Nguyễn Văn Hoàng, ngụ ấp 1A xã Thanh Phú cũng là một trong những hội viên CCB vươn lên khá giả nhờ chăn nuôi bò sinh sản, từ một con bò giống ban đầu, đến nay trong chuồng bò của gia đình ông lúc nào cũng có trung bình 6 con bò cái sinh sản, thu nhập hàng năm gần 100.000.000 đồng từ việc nuôi bò giúp ông Hoàng vươn lên thoát nghèo.
Hiện ông đã sửa sang lại ngôi nhà cấp 4 khang trang hơn, với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Ông cho biết: “Ngoài việc biết lựa chọn bò giống tốt, lại được cán bộ thú y cũng như thành viên Câu lạc bộ có kinh nghiệm hướng dẫn kỹ thuật, cộng với kinh nghiệm chăn nuôi vốn có, cách phòng chống dịch bệnh, kiểm soát môi trường chăn nuôi bò. Tận dụng phân bò để nuôi trùn quế, vừa để phục vụ chăm bón đồng cỏ để có nguồn thức ăn cho bò luôn ổn định. Tôi thấy nuôi bò không cần phải đầu tư kinh phí nhiều, chỉ cần bỏ công chăm sóc mà nguồn thu nhập luôn ổn định, giúp cuộc sống gia đình trở nên khá hơn.”
Có thể nói, phát triển chăn nuôi gia súc hiện là hướng đi đúng đắn, đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp điều kiện của địa phương, từ đó Hội CCB xã khuyến khích hội viên CCB chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ để làm thức ăn cho bò lấy phân bò nuôi trùn quế, mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho hội viên.
Tuy nhiên, để nuôi bò mang tính bền vững và thích ứng với biến động thị trường, người chăn nuôi không nên chạy theo phong trào, biết chủ động nguồn giống, thức ăn và nắm vững kỹ thuật chăm sóc thì sẽ thành công.