Hình minh họa
Chuyển biến tích cực tại dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai
Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đang có những bước tiến quan trọng trong tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong đó, dự án thành phần 2 đã đạt trên 91%.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vừa có buổi làm việc với các đơn vị liên quan để nghe báo cáo tiến độ công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đối với đoạn qua thành phố Biên Hòa, Ban quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai cho biết, đã bàn giao cho chủ đầu tư gần 32ha đất, tương ứng với gần 54% tổng diện tích cần bàn giao. Phần còn lại do còn tài sản trên đất người dân chưa di dời nên chủ đầu tư chưa nhận bàn giao.
Khối lượng khác, đơn vị tiếp tục lập, niêm yết phương án bồi thường để tiếp tục bồi thường trong thời gian tới.
Đối với đoạn qua địa bàn huyện Long Thành, tại dự án thành phần 1, đã bàn giao hơn 62ha đất cho chủ đầu tư, đạt gần 80% và gần 138ha đất tại dự án thành phần 2, đạt 91% tổng diện tích đất cần bàn giao.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã có chỉ đạo đối với Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1 đoạn qua huyện Long Thành trong tháng 11-2024; cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1 đoạn qua thành phố Biên Hòa trong tháng 12-2024; hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án thành phần 2 trong tháng 10-2024.
Xây dựng cầu 500 tỉ bắc qua sông Gành Hào nối trung tâm TP. Cà Mau với bệnh viện lớn nhất tỉnh
Theo quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Cà Mau trình HĐND, dự án có điểm đầu là quốc lộ 1 (đường Nguyễn Tất Thành, TP Cà Mau), điểm cuối là đường Cà Mau - Đầm Dơi (tuyến 3 Tháng 2 nối dài), tổng chiều dài gần 2,5 km.
Dự án bao gồm phần cầu rộng 18 m; phần đường gồm nâng cấp và xây mới tuyến Nguyễn Đình Chiểu, xây mới đoạn từ đường Huỳnh Thúc Kháng đến đường Cà Mau - Đầm Dơi... Công trình do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Cà Mau làm chủ đầu tư, thực hiện giai đoạn 2024-2027.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, dự án cầu nhằm tăng cường kết nối giao thông từ trung tâm TP Cà Mau với khu vực Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, giảm áp lực giao thông qua cầu Huỳnh Thúc Kháng và cầu Gành Hào.
Sông Gành Hào dài hơn 50 km, đi qua địa phận TP Cà Mau. Khi chảy về hướng đông, sông là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Ngoài 3 cầu nói trên, sông còn có dự án cầu hơn 655 tỷ đồng bắc qua sông Gành Hào nối huyện Đầm Dơi (Cà Mau) với huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cũng đang được xây dựng.
Đây là dự án thành phần 3 thuộc dự án cầu qua sông Ông Đốc (Cà Mau), tuyến trục Đông - Tây và cầu Gành Hào. Dự án do Ban quản lý Dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư.
Với tổng mức đầu tư hơn 655 tỷ đồng, cầu Gành Hào được xem là công trình cầu bắc qua sông lớn nhất từ trước đến nay nối 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.
Đã giải ngân 51.200 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng giao thông
Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, trong 11 tháng năm 2024, sản lượng giải ngân của Bộ GTVT ước đạt 51.200 tỷ đồng, đạt khoảng gần 68% so với kế hoạch năm.
Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, số vốn đầu tư công Bộ GTVT giải ngân năm 2024 là 71.288 tỷ đồng.
Đáp ứng nhu cầu vốn triển khai các dự án, Bộ GTVT được giao thêm 1.240 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và giao bổ sung thêm 2.954 tỷ đồng cho các dự án nhóm B bị thiếu vốn.
Cho đến hiện tại, tổng kế hoạch vốn năm 2024 của Bộ GTVT là 75.482 tỷ đồng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tiến độ giải ngân hiện nay đang chậm do nhiều nguyên nhân. Trong đó có những khó khăn trong vướng mắc giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng thất thường của thời tiết, thiếu nguồn vật liệu thi công….
Do đó, trong tháng còn lại của năm, đơn vị này chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm.
Hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế GTGT
Chiều 26/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Theo đó, ngưỡng doanh thu tính thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh là 200 triệu đồng một năm, tăng 100 triệu đồng so với hiện hành.
Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu đưa ra mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng một năm, số hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế giảm khoảng 620.653 hộ. Tương đương mỗi năm ngân sách giảm thu 2.630 tỷ đồng. Số hụt thu ngân sách tăng lên 6.383 tỷ đồng nếu nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế lên 300 triệu đồng một năm.
Hoàng An