Đại tá Văn Minh Trường, 83 tuổi, 57 năm tuổi Đảng, dù hoàn cảnh thế nào, khó khăn, gian khổ, hi sinh, đau thương, mất mát ra sao ông vẫn kiên quyết một lòng kiên trung với Đảng, luôn giữ vững khí tiết của “Bộ đội Cụ Hồ”. Tham gia cách mạng và trực tiếp cầm súng chiến đấu từ năm 1961 đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc 30/4. Chiến đấu trước quân thù từ anh lính binh nhì đến khi là Đại tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn bộ binh 812, đơn vị chủ lực, chiến lược của Quân khu 6 (cũ). Có thể nói đây là vinh dự, tự hào và cũng là trọng trách trước Đảng, trước Nhân dân, trước máu xương của những người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Ông vinh dự trực tiếp chỉ huy, chiến đấu giải phóng 4/6 tỉnh trực thuộc Quân khu 6 (gồm Bình Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức). 2 tỉnh Quảng Đức và Ninh Thuận do quân chủ lực của Bộ, Quân khu 5 và lực lượng địa phương giải phóng.
Quân giải phóng đánh chiếm, giải phóng Bình Thuận.
Theo cách đánh “bóc vỏ” theo phương châm “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”. 23 giờ ngày 16/3/1975, Trung đoàn 812, Tiểu đoàn Đặc công 200c, Đại đội 88 tỉnh Bình Tuy nổ súng vây lấn chi khu. Ta với địch giằng co từng mét công sự. Hỏa lực địch ở các hướng, từ trong chi khu bắn như mưa vào đội hình của ta. Bộ đội ta đã có thương vong. Lúc này, các Tiểu đoàn 15, Tiểu đoàn 186 diệt phần lớn các đồn, bót xung quanh. Tiểu đoàn 840, Đại đội 88 cũng chặn và tiêu diệt phần lớn lực lượng chi viện của địch từ hướng Trà Tân và Võ Xu kéo về.
Đại tá Văn Minh Trường kể tiếp: Cuộc chiến đấu ngày càng các liệt, rạng sáng ngày 20/3/1975 lực lượng đặc công áp sát cửa mở Chi khu Võ Đắc. Dưới làn đạn, pháo dày đặc, hệ thống thông tin của ta bị tê liệt. Một quyết định sinh tử, tôi cùng với đồng chí chủ nhiệm thông tin và đồng chí liên lạc, vượt ngoài công sự suốt 1,5km dưới làn đạn pháo bắn cấp tập, mù trời của địch. Nhưng thật kỳ diệu, đạm bom như thế mà không ai bị thương. Đến nơi, gặp được tôi, anh em rất mừng. Tôi nhanh chóng củng cố hệ thống thông tin, tổ chức lực lượng, tăng cường chi viện, đến rạng sáng ngày 20/3 mũi đầu tiên của Đặc công 200c, tiếp theo là Tiểu đoàn 840 mở cửa xung phong tiêu diệt, làm chủ Chi khu Võ Đắc. Thừa thắng, các lực lượng ta phát triển, tiêu diệt các lưc lượng của địch, giải phóng các xã lân cận. Đến chiều 22/3/1975, toàn huyện Hoài Đức không còn bóng địch. 7 ngày đêm, với tương quan lực lượng địch nhiều, ta ít, nhưng với lòng dũng cảm, quyết tiêu diệt quân thù, giải phóng quê hương quân và dân ta đã giải phóng huyện Hoài Đức, diệt, bắt 2.500 tên địch, thu trên 2.400 súng, nhiều đạn dược, nhất là thu 4 khẩu pháo 105ly, giải phóng hơn 6 vạn dân.
Trong khí thế chiến trường miền Nam đang rất sôi động, nhận lệnh của Quân khu, tôi để lại Tiểu đoàn 15, tiếp quản và truy quét tàn quân. Ngày 25/3 Trung đoàn tiến theo Quốc lộ 20 lên giải phóng Di linh, Bảo Lộc, Đà Lạt. Theo đà tiến công, đến chiều ngày 6/4/1975 Trung đoàn quay về đến Hàm Thuận, phối hợp với các lực lượng để đêm ngày 7/4 cùng với Tiểu đoàn Đặc công 200c, Tiểu đoàn bộ binh 482 tỉnh Bình Thuận và Đại đội 3 huyện Hàm Thuận tiến công giải phóng Ma Lâm - Thiện Giáo, tạo đà và thời cơ áp xát, tiến đến giải phóng thị xã Phan Thiết (nay là thành phố Phan Thiết).
Ông kể: Nhận lệnh của Quân khu và của tỉnh, suốt từ tháng 12 năm 1974 đến ngày giải phóng, Tiểu đoàn bộ binh 482, đơn vị chủ lực của tỉnh Bình Thuận, lúc ấy tôi làm Tiểu đoàn trưởng. Gần 5 tháng trời, đơn vị phải liên tục tấn công địch, không cho địch có thời gian nghỉ ngơi, buộc địch co cụm trong đồn, bót, tạo điều kiện cho quân chủ lực của Quân khu và Bộ tấn công tiêu diệt các mục tiêu quan trọng, chiến lược của địch. Sau khi giải phóng Chi khu Ma Lâm - Thiện Giáo, Tiểu đoàn 482 phát triển theo Đường 8 chiếm ấp, diệt đồn áp xát Phan Thiết. Cùng thời điểm này, Trung đoàn 812 triển khai Tiểu đoàn 15, Tiểu đoàn 840 và Đại đội 5 Đặc công Bình Thuận tấn công các đồn địch trên Quốc lộ 1A. Chiếm và quyết giữ cầu Phú Long để tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đoàn 2 tiến công giải phóng các địa phương trên Quốc lộ 1A và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Về địch, tuy lúc này các vùng ven thị xã đã bị quân ta tiêu diệt và làm chủ. Tuy nhiên lực lượng trong thị xã còn rất đông và mạnh, có 8 tiểu đoàn, 18 đại đội, 13 trung đội, hệ thống công sự, hầm hào vững chắc, được trang bị máy bay, xe tăng, nhiều pháo, súng đạn. Hơn nữa thị xã lại vừa tiếp nhận 1 lực lượng địch rất đông sau khi thất thủ Tây nguyên chạy về được bổ sung vào đội hình chiến đấu. Quyết giữa cầu Phú Long, ròng rã 5 ngày đêm, từ ngày 14 đến 18/4, không một phút ngơi nghỉ, Tiểu đoàn 15 và và Tiểu đoàn 840 thuộc Trung đoàn 812 hứng chịu hàng chục tấn bom, đạn pháo của địch từ đỉnh Tà Zôn, Lầu Ông Hoàng, Camp Esepic, Hạm đội ngoài biển và hàng chục đợt tấn công của địch từ Phan Thiết đánh ra, nhưng các lực lượng của ta chiến đấu kiên trì, kiên quyết, anh dũng giữ vững cầu cho Cánh quân Duyên Hải – Quân đoàn 2 do Trung tướng Lê Trọng Tấn và Trung tướng Lê Quang Hòa chỉ huy hành quân bằng xe cơ giới được thuận lợi. Trưa ngày 18/4 sau khi hiệp đồng với Quân đoàn 2, được sự chi viện của Lữ đoàn Tăng, Trung đoàn bộ binh 18 của Quân đoàn 2 và Tiểu đoàn 15, Tiểu đoàn 840, Tiểu đoàn Pháo 130, Trung đoàn 812 chia thành 3 hướng đồng loạt tấn cống vào thị xã Phan Thiết từ hướng quốc lộ 1A ngay trong đêm 18/4.
Rạng sáng 19 tháng Tư, lúc đó trời không một chút mây. Thỉnh thoảng có vài ngọn gió từ sông, từ biển thổi vào mát rượi. Cớ gì nước mắt cứ tự nhiên trào ra, không cầm được. Có nhiều cậu lính trẻ nhảy cẫng lên vì vui, vì mừng “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Chiến thắng rồi. Giải phóng rồi”, mỗi người một cảm xúc… Suốt mấy chục năm chúng tôi chờ phút giây này. Vui lắm, mừng lắm, mừng chảy nước mắt.
Người lính mà, liên tục là những chuỗi ngày chiến đấu, công tác, hành quân. “Thắng không kiêu, bại không nản”. Ngay trong đêm, chúng tôi tiếp tục củng cố lực lượng, truy quét tàn quân địch tháo chạy, tiến công giải phóng các vùng lân cận, cùng với các lực lượng tiến vào giải phóng Hàm Tân, La Gi, Đảo Phú Quý…
45 năm, cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng với Đại tá Văn Minh Trường, Đại tá Nguyễn Thành Tâm và cũng là với tất cả những cựu chiến binh tham gia vào cuộc trường chinh giành độc lập, ký ức về cuộc chiến, về những trận đánh và những đồng đội dường như vẫn vẹn nguyên. Giúp ích cho đời, sống đẹp với mọi người cũng chính là họ sống thêm phần đời của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”.