Giao diện của nền tảng thương mại điện tử Temu.
Được biết, Temu là nền tảng thương mại điện tử, do Colin Huang (44 tuổi) – người giàu nhất Trung Quốc với tài sản 54 tỷ USD (theo cập nhật của Forbes) sáng lập. Ông cũng là nhà sáng lập công ty thương mại điện tử PDD Holdings.
Temu là sàn bán lẻ online xuyên biên giới tương tự các “đồng hương” như Shein, Wish và AliExpress. Sàn ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á, ước đến nay khoảng 70 thị trường.
Dữ liệu của ECDB cho thấy lượt tải xuống ứng dụng Temu tăng thần tốc, với 440.000 lượt vào tháng đầu ra mắt năm 2022 và tăng đều đặn đến nay, đạt hơn 100 triệu lượt vào tháng 10/2024. Cùng với đó, lượt truy cập vào website Temu còn cao hơn đáng kể, trên 200 triệu hàng tháng giữa năm ngoái. Đến tháng 3 năm nay, trang web của sàn hút được 479 triệu lượt.
Sau khi xuất hiện ở Philippines và Malaysia cách đây hơn 1 năm, đồng thời bắt đầu giao hàng ở Thái Lan vào tháng 7/2024 thì hiện Temu đã có mặt ở Việt Nam lẫn Brunei.
Hiện phiên bản ra mắt trang web Temu Việt Nam còn khá thô sơ khi mới chỉ có tiếng Anh, chưa có tiếng Việt và chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng chứ không có ví điện tử địa phương. Đồng thời cũng chỉ có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần được kết nối là Ninja Van và Best Express.
Với Temu, việc vận chuyển hàng hóa sẽ mất khoảng 4-7 ngày, nhanh hơn nhiều so với 5-20 ngày tại thị trường Malaysia và Philippines. Điều này dễ hiểu vì việc vận chuyển từ Quảng Châu đến Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện qua đường bộ.
Động thái của Temu được cho là dễ hiểu khi báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) tại Đông Nam Á 2024 của Momentum Works nhấn mạnh Việt Nam là thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng GMV theo năm là gần 53%.
Bảo Minh