LTS: Suốt những năm tháng công tác trong quân đội, trên nhiều cương vị, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có đóng góp quan trọng, tạo dấu ấn mạnh mẽ về đối ngoại của Việt Nam nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng. Xin giới thiệu một số bài viết được thực hiện bởi những cán bộ từng có thời gian công tác, sát cánh cùng Đại tướng Phùng Quang Thanh trong quá trình thúc đẩy ngành đối ngoại quốc phòng của đất nước phát triển.
Bài 1: Vị tướng "thắp lửa" đối ngoại quốc phòng
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong chủ động hội nhập, tham gia sâu vào quá trình định hình cấu trúc an ninh khu vực, kể từ năm 2006, sau khi cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) ra đời, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng, Quân đội ta đã tham gia một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm, góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Những bước đi vững chắc, bền bỉ và hiệu quả tạo tiền đề quan trọng cho việc Việt Nam tổ chức thành công ADMM lần thứ 4 cũng như ADMM mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên vào năm 2010. Trên cương vị Chủ tịch ADMM/ADMM+ năm 2010, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã điều hành thành công các phiên thảo luận, góp phần vào thành công chung của Năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tổ chức ADMM+ đối với vị thế của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, Quân ủy Trung ương, mà trực tiếp là Đại tướng Phùng Quang Thanh đã thường xuyên, sâu sát, đưa ra những định hướng chỉ đạo kịp thời về phương châm, cách thức tiến hành đến triển khai cụ thể. Đại tướng cũng quan tâm chặt chẽ, bảo đảm mọi chi tiết dù nhỏ nhất được chuẩn bị kỹ lưỡng để ADMM+ lần đầu tiên diễn ra thành công. Cho đến nay, ADMM+ đã trải qua 8 lần tổ chức, trong đó Việt Nam đăng cai lần thứ hai năm 2020, song những dấu ấn phát triển của cơ chế ADMM+ luôn gắn liền với thành công của ADMM+ lần thứ nhất.
Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm lại người bạn cũ là ngài Haji Mohammad Yussof, nguyên Tư lệnh Lực lượng vũ trang Hoàng gia Brunei nhân dịp dự ADMM tại Brunei năm 2013. Ảnh: HOÀNG MINH
Thế nên, có thể khẳng định Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có những đóng góp quan trọng, tạo dấu ấn mạnh mẽ về đối ngoại của Việt Nam nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng, đưa vị thế và vai trò của Việt Nam từng bước được khẳng định trên trường quốc tế, nhất là trong quá trình định hình và kiến tạo cấu trúc an ninh khu vực, góp phần tạo thế và lực để chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện thành công đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về cá nhân, tôi biết Đại tướng Phùng Quang Thanh từ lúc được nghe anh Đào Trọng Lịch, khi ấy là Tổng Tham mưu trưởng nói về anh. Rồi rất tình cờ khi anh về làm Tổng Tham mưu trưởng thay anh Lê Văn Dũng, anh chủ động gọi điện thoại cho tôi-lúc đó đang làm cục trưởng ở một đơn vị có liên quan đến đối ngoại. Bản thân tôi rất mừng nhưng cũng rất lo, không biết Tổng Tham mưu trưởng muốn gặp và yêu cầu mình báo cáo những gì? Sau khi tôi mạnh dạn hỏi, anh ôn tồn bảo: "Biết anh là dân am hiểu về đối ngoại, mình cần gặp để nói chuyện thôi".
Anh đón tôi ngay tại phòng làm việc và vui vẻ nói: "Đường lối đối ngoại của Đảng đã có trong văn kiện đại hội và các văn bản nghị quyết. Vấn đề ở chỗ đối ngoại quốc phòng cần đi sâu vào những vấn đề gì?". Anh nêu ra một loạt vấn đề, một loạt nhóm nước, quan hệ thế nào, bước đi tiếp theo ra sao... Lúc đó tôi nghĩ, anh là cán bộ cấp tướng trưởng thành từ chiến trận mà nêu vấn đề đối ngoại sắc sảo như vậy quả thực tôi mừng lắm, nên chỉ thêm vào những ý tứ mà anh tâm đắc: Đối ngoại quốc phòng làm tốt chính là “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, và cách ứng xử cụ thể với một số nước lớn cũng như các nước bạn bè của chúng ta. Sau cuộc trò chuyện kéo dài gần 3 tiếng ấy, tôi càng tin rằng anh sẽ là người lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo sắc sảo trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng và cao hơn.
Thế rồi năm 2003, tôi được điều về làm Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) và có điều kiện gần anh, làm việc trực tiếp với anh nhiều hơn, để từ đó nhận ra ở anh tầm nhìn chiến lược và cách điều hành công việc rất cụ thể, sâu sát. Còn nhớ lần tôi được tháp tùng anh trong chuyến thăm các nước Đông Nam Á, đầu tiên là Singapore, ngoài nội dung kế hoạch đã 2-3 lần báo cáo, được Thường vụ Quân ủy Trung ương và cấp trên thông qua, anh rất cẩn thận chủ động đặt ra các chi tiết như cách đi, cách nói, cách ăn mặc...
Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Triển lãm Quốc phòng Thái Lan năm 2009. Ảnh: HOÀNG MINH
Năm 2006, anh thay Đại tướng Phạm Văn Trà làm Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong chuyến đi đầu tiên của anh với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sang thăm Trung Quốc, nội dung có nhiều nhưng tập trung vào hợp tác biên phòng, giao lưu trên biển giữa hải quân hai nước. Tôi cũng nhớ như in để chuẩn bị cho ADMM+ lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và do Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì vào 4 năm sau đó, anh giao nhiệm vụ cho chúng tôi chủ động chuẩn bị kế hoạch và phối hợp các cơ quan trong và ngoài Bộ Quốc phòng chuẩn bị về nội dung, lễ tân, công tác bảo đảm, công tác an ninh... Mỗi lần tôi gặp báo cáo là một lần anh chỉ ra những nội dung cụ thể cần đạt được, từ việc khéo léo xử lý với các nước lớn và khu vực để đạt được sự đồng thuận, tới công tác bảo đảm an toàn, lễ tân cho hội nghị phải tỉ mỉ, chu đáo. Ngay cả việc thiết kế tặng phẩm tặng Bộ trưởng các nước tham gia, anh cũng là người đưa ra ý tưởng, đó là nền xanh nước biển và hình chữ S, cờ của 18 nước. Sau khi cân nhắc, tôi đề nghị anh cho phép lấy đó làm biểu tượng và mẫu làm tặng phẩm tặng Bộ trưởng các nước tham gia ADMM+ năm 2010 tại Việt Nam.
Chính sự tỉ mỉ, sâu sát, chân tình, thẳng thắn ấy đã giúp chúng tôi hiệp đồng, phối hợp để tổ chức thành công hội nghị. Không chỉ trong nước mà bạn bè quốc tế, lãnh đạo quân đội các nước tham gia ADMM+ lần đầu tiên ở Việt Nam cũng đánh giá rất cao vai trò, vị trí của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh.
Ngoài những nội dung liên quan đến đối ngoại, trong mỗi chuyến công tác nước ngoài, anh cũng dành thời gian hỏi han, xem xét rất kỹ mảng công nghiệp quốc phòng, chẳng hạn như: Tính năng, tác dụng của từng loại vũ khí trang bị của các đối tác, cũng như tổ chức, trang bị, huấn luyện, binh chủng của quân đội các nước, để rút ra những kinh nghiệm xây dựng, trang bị, huấn luyện cho Quân đội ta.
Ở Đại tướng Phùng Quang Thanh là thế-vừa là người lãnh đạo, chỉ huy cấp trên, thủ trưởng Bộ Quốc phòng với nhãn quan chiến lược sâu sắc, phong thái chỉ huy bình tĩnh, cụ thể, sâu sát, tạo niềm tin cho cán bộ cấp dưới, vừa là người anh, người đồng chí giúp những cán bộ đối ngoại như chúng tôi noi theo, phấn đấu và trưởng thành.
Trung tướng PHẠM THANH LÂN
nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng
Nguồn: qdnd.vn