Xứng danh đơn vị anh hùng
Sau chiến thắng Tua Hai (tháng 1/1960), ngày 01/02/1960 tại Chiến khu Bời Lời, Trảng Bàng, Tỉnh ủy Tây Ninh chủ trương xây dựng đơn vị vũ trang chủ lực đầu tiên của tỉnh, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 14. Lý giải về cái tên Tiểu đoàn 14, Thượng tá Hà Duy Cường, nguyên Trưởng ban Khoa học lịch sử quân sự Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh, chủ biên cuốn sách Lịch sử Tiểu đoàn 14 cho biết, khi bàn về việc đặt tên cho đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh, đồng chí Võ Văn Truyện, Bí thư Tỉnh ủy lúc đó nói: “Xứ ủy đưa về cho tỉnh 14 chiến sĩ cách mạng, cứ lấy con số chẵn mà đặt tên, nay chúng ta có 14 chiến sĩ hãy đặt là Tiểu đoàn 14, sau này chắc chắn sẽ có thêm tiểu đoàn 16, tiểu đoàn 18, tiểu đoàn 20…”. Ngày 01/02/1960 (ngày họp thứ hai của Tỉnh ủy) được lấy làm ngày truyền thống của Tiểu đoàn bộ binh 14.
Thiếu tướng Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu tham quan phòng truyền thống Tiểu đoàn 14.
Những trận đánh kể trên chứng tỏ khả năng cơ động nhanh và liên tục, luồn lách ngay sát nách địch, trước mũi súng của địch, thậm chí trong vùng địch tạm chiếm. Nhờ đó, tiểu đoàn luôn giành quyền chủ động trên chiến trường, có lợi thì đánh, không có lợi thì né tránh, rồi bất ngờ đánh vào những nơi địch sơ hở để tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.
Chiến sĩ thi đua của tiểu đoàn tại Đại hội chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ tỉnh Tây Ninh năm 1968
Tiểu đoàn 14 và Đại đội 2 vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân vào ngày 12/9/1975. Tiểu đoàn có 3 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, đó là liệt sĩ Bùi Xuân Nguyên, liệt sĩ Trần Quốc Đại và tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thành Nghĩa.
Sau ngày miền Nam giải phóng, tình hình ANCT, TTATXH trên tuyến biên giới Tây Nam rất phức tạp. Tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Sary đổi trắng thay đen, âm mưu xâm lược nước ta. Đêm ngày 24 rạng ngày 25/9/1977, chúng chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tiến công đồng loạt vào tuyến biên giới huyện Bến Cầu, Châu Thành và Tân Biên của tỉnh Tây Ninh. Hàng ngàn người dân vô tội của ta bị chúng sát hại dã man bằng thủ đoạn giết người thời trung cổ.
Sau những phút bất ngờ, sáng ngày 25/9/1977, tiểu đoàn được lệnh hành quân đến xã Long Thuận, huyện Bến Cầu phản công quân địch. Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã phát huy kinh nghiệm “chống càn” thời đánh Mỹ, bám công sự, không nổ súng ào ạt, không bộc lộ hỏa điểm, mà lợi dụng đêm tối, phát hiện hỏa lực địch ở đâu mới nhắm vào đó nổ súng.
Từ tháng 9/1977 đến tháng 9/1978, tiểu đoàn đánh 89 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch, bắt làm tù binh 109 tên; đánh thiệt hại nặng 5 tiểu đoàn và 11 đại đội địch. Có nhiều trận đánh tương quan lực lượng bị chênh lệch lớn, lợi thế nghiêng về phía địch, nhưng với ý chí quyết đánh và quyết thắng, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã mưu trí, sáng tạo, không sợ hy sinh, bảo vệ từng tấc đất biên cương, vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa ngày 6/10/1978.
Sau khi thủ đô Phnom Pênh giải phóng, Tiểu đoàn 14 tiếp tục hành quân, thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp bạn tại tỉnh Kông-pông-chàm và Kong Pong Thom. Dù hoạt động ở địa bàn nào, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn cũng nêu cao tinh thần mưu trí, dũng cảm, tiến hành nhiều đợt truy quét tàn quân Pôn Pốt. Đồng thời giúp Bạn xây dựng lực lượng, cứu đói, cứu đau cho Nhân dân nước bạn.
Kết thúc 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn, tiểu đoàn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Cán bộ, chiến sĩ được tặng nhiều huân, huy chương và huy hiệu cao quý khác.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 14 về nguồn, ôn lại truyền thống hào hùng của đơn vị.
Đây là một trong những nét truyền thống tiêu biểu của Tiểu đoàn 14 anh hùng. Theo Thượng tá Hà Duy Cường, truyền thống này được hình thành trong những năm tháng chiến tranh ác liệt “Quyết tử giữ Gò Dầu” khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam. Chúng quyết tâm biến Gò Dầu thành vùng trắng an toàn, chia cắt cách mạng với nhân dân. Lợi dụng mùa khô, nắng ráo, chúng thả xăng bột hoặc bom na-pan để đốt cháy cỏ cây và phá trái gài rồi dùng xe ủi san phẳng địa hình để phát hiện hầm bí mật của ta. Nguy hiểm hơn, địch dùng chiến thuật biệt kích “nhả răng bừa”, sau mỗi lần càn quét, chúng bí mật để lại một bộ phận theo dõi, phục kích bắn chết cán bộ ta.
Để phá vỡ chiến thuật “nhả răng bừa” của địch, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã thực hiện phương châm “Bám đất, bám dân và bám địch để đánh”, tổ chức xây dựng công sự, đào hầm bí mật liên hoàn, chiến đấu trực diện với quân địch.
Tiểu đoàn liên tục cơ động, liên tục tiến công tiêu diệt địch. Khi đánh bộ binh và cơ giới Mỹ đi càn, khi bám trụ vùng ven, trục lộ giao thông chống địch bình định, kìm kẹp nhân dân, trận đánh nào tiểu đoàn cũng diệt được nhiều sinh lực địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Đồng thời tiểu đoàn đã tạo mọi thuận lợi cho chủ lực Miền đánh tiêu diệt địch trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu là các trận: đánh bại cuộc hành quân giải tỏa của tiểu đoàn bảo an 304 nguỵ tháng 3/1972; diệt bót Giồng Nần, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu; trận Ngã Bảy Cầu Sắt, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tháng 10/1972, xóa sổ tiểu đoàn 3/trung đoàn 49/sư đoàn 25 ngụy; phục kích tiêu diệt tiểu đoàn 2/trung đoàn 49 ngụy tại xã Thạnh Đức tháng 9/1973; tiến công tiểu khu Tây Ninh, giải phóng thị xã Tây Ninh trưa ngày 30/4/1975.
Thị xã Tây Ninh giải phóng trưa ngày 30/4/1975
Năm 1992, tiểu đoàn về đóng quân tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tọa lạc trên một khu đất rộng 18ha. Được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, doanh trại được xây dựng kiên cố, khang trang, với các công trình: hội trường, nhà chỉ huy, nhà làm việc, nhà ăn, nhà ở và các công trình phụ. Phong trào xây dựng doanh trại nền nếp, chính quy, xanh, sạch, đẹp đã được đơn vị duy trì nghiêm. Nơi dải đất biên cương quanh năm nắng cháy, nhưng không gian đơn vị luôn xanh mát, trong lành. Đó là thành quả của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã đổ biết bao mồ hôi, công sức, trí tuệ để tạo nên bức tranh đẹp nơi vùng biên cát trắng.
Thành quả đó luôn được các thế hệ của tiểu đoàn gìn giữ và phát huy. Với phương châm “Nói ít làm nhiều, nói đến đâu làm có hiệu quả đến đó”, cán bộ, chiến sĩ đã xây dựng đơn vị trở thành “ngôi nhà chung” tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho bộ đội về công tác xây dựng cảnh quan môi trường, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, giúp bộ đội sống vui vẻ, lạc quan, an tâm công tác, bởi “Đơn vị là nhà, đồng đội là anh em”.
Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt chú trọng, bởi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Đảng bộ tiểu đoàn luôn chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nội bộ đoàn kết thống nhất, phát huy cao độ vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tập trung đột phá vào xây dựng chi bộ, Đảng bộ trong sạch vững mạnh, trong đó chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, kết hợp chặt chẽ giữa sinh hoạt tư tưởng với sinh hoạt tự phê bình và phê bình, “tự soi”, “tự sửa” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đây là nội dung then chốt của nhiệm vụ then chốt về xây dựng đội ngũ cán bộ có đầy đủ phẩm chất đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
Thiếu tướng Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, là cán bộ có thời gian công tác tại Tiểu đoàn 14 từ năm 1992-2004. Trải qua các cương vị trợ lý chính trị, tiểu đoàn phó chính trị, ông cho rằng những năm tháng gắn bó, công tác tại tiểu đoàn đã rèn luyện cho người cán bộ quân đội nhiều phẩm chất cao quý, đó là tinh thần tự lực, tự cường; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hy sinh vì lý tưởng cao đẹp, vì sự bình yên của nhân dân. Ông khẳng định: “Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, tiểu đoàn luôn là lực lượng nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ của tiểu đoàn được giáo dục, trui rèn, thử thách trong chiến đấu, có phẩm chất cách mạng, năng lực và bản lĩnh, trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc tỉnh và thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh, nhiều đồng chí đã phát triển cao hơn”.
Thiếu tướng Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu tặng quà lưu niệm bài hát "Hành khúc Tiểu đoàn 14" đã được thu âm cho cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn