Mãi mãi tuổi thanh xuân
Dù đã gần 80 tuổi, đầu óc có lúc nhớ lúc quên bởi những vết thương chiến tranh để lại nhưng ký ức về đêm 15/6/1968 trên cánh đồng bưng Láng Sấu vẫn hằn sâu trong tâm trí của bà Nguyễn Thị Khỏi (Ba Khỏi), nhân chứng sống về sự tàn bạo của địch.
Bà kể, lực lượng tham gia dân công phần lớn là người xã Vĩnh Lộc, họ là những nam, nữ thanh niên ở lứa tuổi từ 14 đến 20 với nhiệm vụ chủ yếu là tải đạn, cứu chữa, chuyển thương binh về tuyến sau, nấu cơm, đào hầm, đắp đường,… Mỗi khi có trận đánh, các đoàn dân công luân phiên nhau phục vụ, mỗi đoàn từ 50 đến 60 người, có khi cả 100 người và có du kích dẫn đường.
Bà Nguyễn Thị Khỏi – chiến sĩ Dân công hỏa tuyến huyện Bình Chánh và tác giả.
Cả đoàn hứng trọn trận mưa bão đạn của địch, cánh đồng năng, lát, dứa không đủ sức che chở cho những người con Vĩnh Lộc, xương thịt con người không thể đọ nổi với súng đạn, 32 dân công hỏa tuyến mãi mãi nằm lại ở tuổi thanh xuân, 2 thương binh của Sư đoàn 9 cũng hy sinh.
Họ sống mãi trên đồng bưng Láng Sấu
53 năm trôi qua, nỗi đau vẫn vẹn nguyên trong lòng người ở lại, nhưng những ai từng trải qua “đêm trắng” Vĩnh Lộc ngày ấy đều không hề hối tiếc vì tuổi xuân mình đã cống hiến cho cách mạng. “Cái tang lớn” đêm 15/6/1968 chẳng thể làm người dân Vĩnh Lộc sợ hãi chùn bước, họ nhanh chóng xốc lại tinh thần, kiên cường bám trụ, giữ từng thước đất quê hương, “một tấc không đi, một ly không rời”, tiếp tục góp sức vào cuộc chiến lớn, làm nên bản hùng ca xuân 1968 và tiến tới đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 2010, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho tập thể đoàn dân công hỏa tuyến huyện Bình Chánh. Đường tải đạn, tiếp lương, vận chuyển thương binh ngày trước đã trở thành con lộ lớn mang tên Dân Công Hỏa Tuyến. Đìa dứa, bưng Láng Sấu tang tóc ngày nào cũng đã trở thành Khu di tích Dân công hỏa tuyến khang trang.
Sự hy sinh của 32 người con Vĩnh Lộc là bản hùng ca về hình ảnh các chàng trai, cô gái vùng ven Sài Gòn đi dân công phục vụ chiến trường. Dẫu không thể kể hết những gian khổ, hy sinh mà họ đã trải qua trong những tháng năm lịch sự ấy, nhưng tên tuổi của các anh, các chị mãi sống trong hình hài đất nước, trong từng thửa đất, con sông và triệu triệu trái tim đồng bào.