Từ mô hình này, nhiều CCB trở thành gương điển hình trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” và được người dân địa phương học tập, làm theo.
Năm 1980, ông Lê Văn Mười (SN 1957, ấp 7 xã Nhựt Chánh) hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xuất ngũ trở về địa phương. Từ nguồn vốn tích góp nhiều năm của gia đình, ông Mười đầu tư chuồng trại, nuôi 7 con bò vỗ béo. Còn 0,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, ông Mười chuyển đổi sang trồng cỏ voi để tạo nguồn thức ăn cho bò.
Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", cùng với sự cần cù, chịu khó, không ngừng tìm tòi học hỏi. Chưa đầy 4 năm sau, mô hình kinh tế của ông Mười phát triển ổn định với thu nhập bình quân hàng năm trên 100 triệu đồng.
Ông Mười chia sẻ: “Tôi không phát triển quy mô quá nhiều mà tập trung vào nâng cao chất lượng đàn bò, nghiên cứu cách xử lý nguồn phân bò thành phân bón vi sinh bón cho cây trồng. Thời gian tới, chúng tôi dự định hình thành một tổ hợp tác chăn nuôi bò của Chi hội CCB ấp 7".
Tương tự, CCB Nguyễn Văn Sáu (SN 1967) cũng chọn mô hình nuôi bò vỗ béo để phát triển kinh tế gia đình; hiện ông nuôi 27 con bò, chủ yếu giống bò của Mỹ. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên sau 10 tháng nuôi, mỗi con bò có trọng lượng bình quân từ 700-800kg.
Mỗi năm, ông Sáu bán 15-16 con, sau khi trừ chi phí, còn lãi từ 500-600 triệu đồng.
Ông Sáu chia sẻ: "Trong nuôi bò, khâu chọn bò giống quyết định rất lớn đến sự thành công. Bên canh đó, trong quá trình nuôi bò, cần tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục... Thức ăn hàng ngày cho bò gồm: Cỏ voi, thân cây bắp tươi. Vào mùa mưa, khi thời trở lạnh, bổ sung thêm tinh bột cho bò và che chắn chuồng trại bảo đảm giữ ấm cho đàn bò".
Trở về với cuộc sống đời thường, những CCB vẫn phát huy phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình.