Trò chuyện với nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, tôi như được truyền lửa cho mình, chiều sâu uyên bác của trí tuệ và thái độ chia sẻ ân cần ở bà khiến cho người được trò chuyện thêm tự tin. Và tôi hiểu vì sao bà nhận được ở giới quan sát, truyền thông sự chú ý mạnh mẽ kể cả khi bà đã nghỉ hưu, bởi một phong cách lịch thiệp và chiều sâu trí tuệ văn hóa, ngoại giao. Trong câu chuyện, bà luôn nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng then chốt để xây dựng vị thế đất nước.
Văn hóa là di sản của quá khứ, hiện tại, tương lai
Chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện xung quanh chủ đề về nét đặc trưng văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Khi còn làm công tác ngoại giao, được tiếp xúc với chính khách và nhân dân thế giới, bà Tôn Nữ Thị Ninh luôn nhận ra một điều mà các chính khách quốc tế luôn khâm phục Quân đội nhân dân Việt Nam, sức mạnh của Quân đội là từ nhân dân, hình ảnh Việt Minh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và sau này là người lính trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ luôn là niềm tự hào của dân tộc. Đặc biệt, lãnh đạo của Quân đội luôn được thế giới kính nể vì tài năng và trí tuệ gắn bó mật thiết với nhân dân và các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Theo bà sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam là văn hóa cách mạng được Đảng mà trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp giáo dục xây dựng ngay từ những ngày đầu thành lập. Bà nhớ lại: “Năm 1980, thời tôi đang công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương, tôi đã có vinh dự và dịp may được đi phiên dịch phục vụ chuyến đi dài gần một tháng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến 9 nước châu Phi và Trung Đông, với 3 chặng dừng chân tại Liên Xô, Đông Đức và Tiệp Khắc. Cùng đi trong chuyến tác đó có phu nhân của Đại tướng. Tại nhiều nước châu Phi, đặc biệt trong những buổi thuyết trình giao lưu với các tầng lớp quân đội, tôi không ít lần nghe các sĩ quan và quan khách châu Phi gọi Trưởng đoàn Việt Nam bằng cái tên “Đại tướng” vừa kính nể vừa giản dị, trìu mến (ý nói không cần nêu lên tên vì chỉ có thể là Đại tướng Võ Nguyên Giáp), hoặc “Đại tướng của chúng tôi”. Đối với các nước thuộc địa châu Phi, Chiến thắng Điện Biên Phủ mang ý nghĩa biểu trưng tạo cảm hứng, niềm tin về sự tất thắng của phong trào giải phóng dân tộc. “Kiến trúc sư” - Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ thật sự là một vị tướng huyền thoại. Bản thân tôi trong quá trình làm việc trong nhóm cán bộ đối ngoại chuẩn bị các bài phát biểu của Đại tướng, đã kinh ngạc trước tư duy truyền thông vô cùng hiện đại, thậm chí, đi trước thời đại của Đại tướng, Đại tướng đã nhắc nhở chúng tôi rằng, đã từng là nhà báo, Đại tướng muốn bài phát biểu của mình được cảm nhận và hưởng ứng. Do đó nội dung cần tập trung vào mối quan tâm nổi bật của mỗi nước mà ta đến thăm chứ không nên dàn trải mọi vấn đề quốc tế, khu vực trong một bài diễn văn, vì đã có các tuyên bố, thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao làm rõ quan điểm chủ trương nhà nước Việt Nam về các vấn đề quốc tế rồi.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh
Phương châm giao tiếp đối ngoại
Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng trong bài học “cương nhu” khi làm công tác đối ngoại, không bao giờ được quên mình đang đại diện cho Việt Nam.
Trong thực hiện công tác đối ngoại, bà luôn nhớ nằm lòng lời dạy của Bác Hồ: Người làm đối ngoại phải luôn biết quan sát và tiếp thu. Cái gì chưa biết thì phải quan sát người khác để làm theo, nhưng cũng phải làm theo đúng cách. Hoặc rất coi trọng việc tiếp thu những câu chuyện, bài học kinh nghiệm của các bậc tiền bối, những nhân vật lịch sử để áp dụng trong những tình huống cụ thể. Ví dụ câu chuyện về Nữ hoàng nước Anh Vich-to-ria trong buổi tiệc chiêu đãi khách đã quan sát rất nhạy bén và xử lý tình huống khéo léo, kịp thời để người khách mời của nữ hoàng không rơi vào một tình huống bối rối. Từ những câu chuyện đó đã được Tôn Nữ Thị Ninh luôn ghi nhớ và rút ra bài học cho bản thân.
Theo nữ Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, bà rất tâm đắc một điều: Trong mọi tình huống, người làm công tác đối ngoại phải luôn giữ bình tĩnh trong tâm thế và có thái độ ứng xử điềm đạm, mềm mại bên ngoài. Cảm xúc bộc lộ không đúng sẽ đẩy bản thân vào thế yếu, do vậy, phải chế ngự cảm xúc để giữ vẻ mặt luôn hết sức tự nhiên. Bà giải thích: “Tự nhiên không có nghĩa là vô tư. Đừng nhầm lẫn tự nhiên với vô tư. Người làm đối ngoại phải biết dung hòa khái niệm này sao cho hành động có ý thức mà không cứng nhắc, tự nhiên mà không thành vô tư, vô ý - đó là tự nhiên có ý thức”. Ví dụ đã có lần trong chuyến công tác nước ngoài, có những đối tượng thể hiện thái độ, hành động chống phá Nhà nước Việt Nam. Bà Ninh cho rằng: những lúc như vậy, cần phải vận dụng tốt phương châm “Bình tĩnh bên trong và tự nhiên bên ngoài” để làm chủ tình thế.
Một trong những điều mà bà tâm đắc, đó là xây dựng mối quan hệ cá nhân là điều vô cùng quan trọng và luôn cần thiết trong hoạt động ngoại giao, đặc biệt là ngoại giao hiện đại: “Chúng ta không chỉ xây dựng mối quan hệ với những người giữ vị trí nào đó, bởi họ sẽ chỉ ở vị trí đó trong một thời gian nhất định. Người làm ngoại giao phải biết xây dựng mối quan hệ với nhiều người nhiều đối tượng để đến một thời điểm hay một hoàn cảnh nào đó có thể sử dụng vào công việc khác trên một địa bàn khác để phục vụ đất nước.”
Nguyễn Thành Nam