Theo Bộ Xây dựng, gói tín dụng này sẽ được triển khai thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ. Lãi suất của gói vay được giữ ở mức ưu đãi, dự kiến thấp hơn lãi suất thị trường từ 2 - 3%, để đảm bảo khả năng tiếp cận của các đối tượng thụ hưởng chính sách, bao gồm người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, và các đối tượng chính sách xã hội khác.
Phương án phát hành trái phiếu được đánh giá là khả thi vì không gây áp lực lớn lên ngân sách nhà nước mà vẫn tạo được nguồn lực tài chính dài hạn. Nguồn vốn này sẽ được phân bổ cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình, giúp các dự án nhà ở xã hội hiện tại và tương lai có thể triển khai hiệu quả.
Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội đang thiếu hụt, trong khi đó, nguồn cung mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế. Việc triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng được xem là một "phao cứu sinh" để tháo gỡ nút thắt tài chính trong việc phát triển nhà ở xã hội.
Hiện nay, nhiều dự án nhà ở xã hội đã được phê duyệt nhưng chưa thể khởi công do thiếu vốn, hoặc triển khai chậm vì gặp khó khăn về nguồn lực. Gói tín dụng này kỳ vọng sẽ hỗ trợ giải ngân nhanh, tạo điều kiện cho các dự án sớm đi vào hoạt động.
Người mua nhà ở xã hội, với sự hỗ trợ từ gói tín dụng, sẽ có cơ hội tiếp cận lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 2-3% so với lãi suất thương mại hiện hành. Đồng thời, thời hạn vay kéo dài, dự kiến từ 15 - 20 năm, sẽ giúp giảm áp lực tài chính cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình trẻ và người lao động có thu nhập thấp.
Theo các chuyên gia, việc đưa ra gói tín dụng lớn này không chỉ hỗ trợ người dân, mà còn tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Gói vay dự kiến sẽ thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội được hoàn thiện, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Điều này sẽ góp phần cân bằng cung - cầu trên thị trường, giảm áp lực tăng giá nhà ở.
Việc phân bổ giải ngân gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội dự kiến được thực hiện như sau. Năm 2025 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2026 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2027 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2028 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2029 bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2030 bố trí khoảng 17.500 tỷ đồng.
Các ngân hàng thương mại sẽ đóng vai trò trung gian giải ngân vốn vay. Dự kiến, các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank sẽ được chỉ định tham gia chương trình này, với nguồn vốn vay lại từ Ngân hàng Nhà nước. Việc này sẽ đảm bảo dòng vốn lưu thông hiệu quả, giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện.
Gói tín dụng không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân người mua nhà, mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án nhà ở xã hội khi được triển khai sẽ giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng và các ngành nghề liên quan. Ngoài ra, việc người dân có nhà ở ổn định sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống, giảm bớt gánh nặng về nhà trọ và cải thiện năng suất lao động.
Đề xuất gói tín dụng hiện đang được trình Chính phủ phê duyệt. Nếu được thông qua, gói vay sẽ được triển khai ngay từ đầu năm 2025. Song song đó, Bộ Xây dựng cũng khuyến nghị cần có cơ chế giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện, để đảm bảo gói tín dụng được sử dụng đúng mục đích, tránh tình trạng đầu cơ hoặc sử dụng vốn không hiệu quả.
N.Đăng