(QK7 Online) - Ngày 30-4 năm nay tròn 41 năm, kể từ ngày nhạc sĩ Phạm Tuyên cho ra đời ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Theo dòng chảy của thời gian, khúc ca bất tử này vẫn sống mãi trong lòng nhân dân, bởi nó được Phạm Tuyên sáng tác bằng tất cả lòng yêu nước nồng nàn, niềm đam mê máu thịt và trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc. “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” đã trở thành kinh điển của nền âm nhạc thời đại Hồ Chí Minh, là khúc ca hòa bình bất tử, không bao giờ xưa cũ.
9955 lượt xem
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng - Ca khúc kết nối triệu tấm lòng yêu nước
Lần theo địa chỉ, chúng tôi đến căn hộ nhà ở tầng 3, ngõ 40, phố Vạn Bảo - thành phố Hà Nội để xin gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên, nghe ông kể lại những ký ức hào hùng khi ra đời bài hát. Có lẽ bây giờ người nhạc sĩ mới có thời gian nhìn lại ca khúc chỉ vẻn vẹn vài chục ca từ giản dị trong sáng, nhưng lại có sức sống mãnh liệt hiệu triệu đồng bào và làm nức lòng chiến sĩ cả nước. Nhạc sĩ Phạm Tuyên niềm nở kể lại: Khoảng đầu tháng 4 năm 1975, anh Trần Lâm- Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam bảo tôi: Sắp thắng to rồi, sắp giải phóng miền Nam rồi, cậu hãy sáng tác một bản hợp xướng thật hoành tráng để mừng ngày chiến thắng. Tôi cũng đã phác thảo một bản hợp xướng 4 chương, nhưng vẫn thấy không ổn. Còn đang băn khoăn do dự thì ngày 28-4-1975, có tin phi công nguỵ đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất (sau này tôi mới biết người ném bom là Anh hùng Quân đội Nguyễn Thành Trung). Tôi nghĩ, thế này thì giải phóng miền Nam đến gần lắm rồi. Phải viết ngay một bài hát, một bài hát reo vui nức lòng cùng mọi người đổ ra đường trong ngày vui mừng toàn thắng. Thế là tôi bắt tay vào viết bài hát theo ý tưởng đó. Nghĩ đến ngày toàn thắng, trong đầu tôi lại nghĩ đến hình ảnh Bác Hồ. Với những tình cảm dồn nén, từ lúc 21 giờ 30 đến 23 giờ đêm 28-4-1975, tôi đã viết xong bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, sau này không phải sửa một chữ nào.
Ca khúc lập tức được lãnh đạo Đài cho anh chị em dàn hợp xướng 40 người do nhạc sĩ Cao Việt Bách chỉ huy, Đặng Hùng và Tuyết Thanh lĩnh xướng. Có lẽ sự sung sướng xúc động quá lớn trước giờ phút chiến thắng mà tất cả mọi người từ nhạc công đến nhạc sĩ vừa đàn, vừa hát, vừa khóc. Cuối giờ chiều ngày 30-4-1975, bài hát được truyền đi trên hệ thống phát thanh đài tiếng nói Việt Nam. Khi bài hát vút lên, cũng là lúc ta tuyên bố chính thức giải phóng hoàn toàn miền Nam trước thế giới.
Tâm sự về câu chuyện có hậu của bài ca, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể tiếp: “Khi viết xong bài hát này, tôi cũng không nghĩ nó có sức sống mãnh liệt trong lòng khán giả, mà đơn giản là chỉ muốn góp một tiếng reo vui cùng mọi người khi chiến thắng đang đến từng ngày. Nhưng điều đáng mừng là đã 41 năm, bài hát vẫn có sức sống trong lòng công chúng. Có những điều đã vượt quá tầm nghĩ của tôi. Trong một lần người đồng nghiệp Nhật Bản hỏi tôi: ông sáng tác ca khúc trong thời gian bao lâu? Tôi trả lời chỉ có 2 giờ. Nói đúng hơn là chỉ có 2 giờ cho cả cuộc đời. Cuộc đời tôi gắn liền với ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Đó là máu thịt, là trăn trở, tâm huyết sau 30 năm dồn nén trong tôi. Đi gần hết cuộc đời nghệ sĩ, bây giờ tôi mới hiểu, những ca khúc viết về Bộ đội Cụ Hồ, về cách mạng, về trẻ thơ không bao giờ cũ”.
Ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” đã vượt ra khỏi biên giới nước nhà, lan tỏa đến nhiều nước như Nga, Đức, Cu Ba, Trung Quốc. Ở Nhật Bản, ca khúc này được dịch ra tiếng Nhật và lưu hành phổ biến ở 49 tỉnh thành. Có nhiều vị khách quốc tế, dù không biết đến một câu tiếng Việt vẫn có thể nhẩm theo giai điệu bài hát trong những dịp tham gia khánh lễ. Và mấy chục năm qua những điệp khúc “Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh” vẫn vang lên bừng bừng khí thế, rộn ràng niềm vui trong từng góc phố khán đài, trong những cuộc giao lưu quốc tế.
Hôm nay sau 41 năm đất nước thanh bình, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” vẫn sống mãi trong tim mỗi người dân Việt Nam. Mỗi lần nhắc đến, như đang đi giữa cờ hoa chiến thắng của ngày 30-4 cách đây 41 năm về trước. Sức sống lan tỏa của nó rộng khắp và truyền nối cho thế hệ con cháu, đời đời sống mãi với thời gian. Bởi khúc ca ấy không chỉ như một tiếng vang thông báo sau ba mươi năm trường kỳ kháng chiến của dân tộc, người Việt Nam đã hoàn toàn tự do, nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập, Tổ quốc Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất; mà nó như một sợi dây lịch sử kết nối những tấm lòng yêu nước của người Việt, là sức mạnh nội lực Việt. Cội nguồn của sức mạnh ấy là tinh thần nồng nàn yêu nước.
Mai Thắng