Cội nguồn Quân khu 7
Chúng tôi bắt đầu câu chuyện từ xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An là nơi chứng kiến sự ra đời của các lực lượng vũ trang đầu tiên ở Nam Bộ. Theo dòng hồi ức của bác Phạm Hữu Hí, người con của mảnh đất Bình Hòa Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi ngược thời gian trở về thời điểm những ngày đầu Nam bộ kháng chiến. Bên bờ sông Vàm Cỏ, ngày 10-12-1945, Xứ ủy lâm thời Nam bộ mở hội nghị quyết định nhiều vấn đề chiến lược, trong đó có quyết định thành lập Khu 7, tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu 7 ngày nay. Trung tướng Nguyễn Bình là vị tư lệnh đầu tiên của Quân khu 7.
Trong kí ức của bác Phạm Hữu Hí, khi đó chỉ là cậu bé mới 7 tuổi, Trung tướng Nguyễn Bình thường hay đến bàn bạc việc gì đó với cha mình rồi vội vã đi ngay. “Chừng một tháng hay nửa tháng ông ra một lần. Hồi đó tui còn nhỏ, đâu có biết gì. Hễ khi Trung tướng Nguyễn Bình ra thì ba tui sai đi nấu nước. Trung tướng Nguyễn Bình đi chiếc ghe tam bản, 4 chèo, ở trước 2 chèo, ở sau 2 chèo, ông ngồi ở giữa” - bác Phạm Hữu Hí nhớ lại.
Chúng tôi đến ấp 3, nơi có nhiều địa danh nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như: Vàm đình Cần Giè, cầu Tổng Phát Hành (nơi đặt trạm quân bưu thời kỳ chống Pháp của Xứ ủy Nam Bộ), tràm Ba Làng… Đây là nơi Trung tướng Nguyễn Bình và tổng hành dinh làm việc trong một thời gian, sau đó mới di chuyển lên Giồng Dinh và Giồng Thổ Địa (tiếp giáp với biên giới Campuchia). Đây cũng chính là nơi che chở và là hậu cứ của các lực lượng vũ trang cách mạng. Do có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 20/12/1994, quân và dân xã Bình Hòa Nam được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, quân và dân Long An chung một ý chí, chung một chiến hào chiến thắng các kẻ thù xâm lược. Trong công cuộc xây dựng đất nước, quân và dân Long An tiếp tục đoàn kết sắt son, phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.
Với mục tiêu quy hoạch phát triển vùng chuyên canh, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp tạo sức cạnh tranh trên thị trường, Đảng bộ, chính quyền xã Bình Hòa Nam đẩy mạnh chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng chanh với diện tích trên 2.000 ha, tạo thế cây chủ lực, cây chuyên canh của xã.
Bên cạnh đó, xã còn khuyến khích bà con trồng một số loại rau phù hợp với đất nhiễm phèn, như trồng rau má, đã mang lại thu nhập cao cho người dân.
Trong thời gian qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã xây tặng xã Bình Hòa Nam nhiều công trình đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến nay, Bình Hòa Nam đã đạt tiêu chí về xây dựng đường giao thông nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã bày tỏ: “Từ sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang Quân khu 7, Bình Hòa Nam đã hoàn thành một số tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, như: tiêu chí về đường giao thông nông thôn, trường học, nhà ở, cơ sở vật chất văn hóa...”.
Bộ Tư lệnh Quân khu thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, chung sức xây dựng nông thôn mới ở Bình Hòa Nam
Lực lượng vũ trang Long An phát huy truyền thống “Trung dũng, kiên cường”
Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh đã trở thành kế sách dựng nước và giữ nước lâu bền của Đảng ta. Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với Long An, là tỉnh biên giới giáp với nước bạn Campuchia, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư, xây dựng các chốt dân quân nằm ở vị trí xung yếu nhất, góp phần cùng với các đồn, trạm Biên phòng và các điểm dân cư biên giới tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc, thuận lợi cho việc quản lý bảo vệ đường biên. Các chốt dân quân thường trực biên giới được xây dựng khang trang, bảo đảm nơi ăn ở, sinh hoạt và công sự trận địa, đảm bảo cho lực lượng làm nhiệm vụ trực tại chốt.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy - UBND tỉnh còn quan tâm, chăm lo, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện về công tác quân sự - quốc phòng; nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, trình độ tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tổ chức cho bộ đội huấn luyện sát với tình hình, nhiệm vụ, địa bàn.
Đại tá Trần Văn Trai, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An chia sẻ: “Việc xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong LLVT tỉnh Long An là quyết tâm chính trị của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, lấy hiệu quả trong thực hiện mô hình, điển hình tiên tiến để đánh giá kết quả các phong trào thi đua quyết thắng và năng lực của cán bộ chủ trì ở các cấp. Đến nay, LLVT tỉnh Long An đã có nhiều mô hình và cách làm sáng tạo, trong đó tôi xin nêu một số mô hình như phối hợp xây dựng lực lượng đấu tranh với thông tin xấu độc trên mạng xã hội; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các kho cụm công nghiệp, các chức sắc tôn giáo; mô hình “5 chủ động” trong công tác tư tưởng… góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại đơn vị.
Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương “Trung dũng - kiên cường, toàn dân đánh giặc”, lực lượng vũ trang tỉnh Long An tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.