(QK7 Online) - Nhận tin cụ Tô Đình Cắm từ trần vào lúc 22 giờ ngày 14-7-2017 tại nhà riêng ở thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng lòng tôi cứ nghèn nghẹn. Dẫu biết rằng không ai tránh khỏi quy luật cuộc đời: sinh, lão, bệnh, tử và năm nay cụ Cắm cũng đã 95 tuổi – cái tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với tất cả niềm tôn kính, lòng tri ân, sự ra đi của Cụ để lại niềm tiếc thương cho bao người...
Cụ Tô Đình Cắm tên thường gọi là Tô Văn Cắm, người dân tộc Tày, sinh năm 1922 ở bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tham gia Việt Minh từ năm 17 tuổi, đến cuối năm 1944, chàng trai Tô Đình Cắm với bí danh Tô Tiến Lực cùng 33 đồng chí khác được chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giáp ranh giữa tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập với 34 đội viên. Dưới lá cờ đỏ sao vàng và sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, người thanh niên Tô Đình Cắm cùng anh em đội viên đã thề tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Cụ Tô Đình Cắm nâng niu di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sau khi tham gia nhiều trận đánh và hai lần bị thương rất nặng tại mặt trận Rạch Giá và chiến dịch Biên giới Thu – Đông năm 1950, chiến sĩ Tô Đình Cắm không thể tiếp tục phục vụ quân đội. Về lại quê, ông chăm bẵm cuốc cày, xây dựng cuộc sống gia đình. Đến năm 1992, cụ Cắm cùng gia đình tham gia xây dựng kinh tế mới ở huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.
Tôi đã nhiều lần về thăm cụ Cắm. Trong ngôi nhà khang trang, nghĩa tình do Bộ Quốc phòng tặng cụ, ở nơi trang trọng nhất là bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc nào cũng ấm áp hương hoa.
Điều mà tôi xúc động nhất đó là lần nào cũng vậy, cầm tấm ảnh phác họa giờ phút thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cụ kể rất nhiều về Đại tướng và anh em trong đội. Cụ cũng không quên mang kỷ vật mà mình trân trọng nhất – chiếc áo mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp – anh Văn đã tặng trong một lần hội ngộ khoe với chúng tôi. Cụ bảo: “Cái áo anh Văn tặng, với tôi quý giá lắm”.
Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng nhiệt huyết cách mạng trong cụ Cắm vẫn cháy mãi. Cụ thường xuyên đến thăm, động viên và gửi gắm niềm tin các cháu học sinh Trường Phổ thông trung học Đạ Tẻh. Những giờ học sử, được Cụ đến kể chuyện, học sinh thêm hào hứng. Đã có rất nhiều câu chuyện xúc động về tinh thần quả cảm của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, về tình quân dân cá nước mà cụ Cắm đã kể với các thế hệ học sinh ở huyện nhà. Và mỗi lần như vậy, cả Cụ và học sinh đều không cầm được nước mắt.
Mỗi lần kể về Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cả Cụ Cắm và học sinh đều dâng trào niềm xúc động
Người cuối cùng trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đi xa mãi mãi. Vĩnh biệt cụ Cắm, mỗi người sẽ nhớ Cụ theo cách của riêng mình. Với tôi, hình ảnh lưu giữ mãi về Cụ đó là nụ cười hạnh phúc, mãn nguyện của một chiến sĩ tiền bối khi được chứng kiến những thành quả ngọt ngào của một dân tộc anh hùng, một Quân đội anh hùng và dáng hình Tổ quốc hôm nay. Và đó còn là hình ảnh thân thương, xúc động mỗi lần nói chuyện với các cháu học sinh, Cụ đều nhắn nhủ: Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Giáp, tự hào về Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa, các thế hệ trẻ hôm nay cố gắng thi đua học tập, lao động thật tốt để trở thành công dân có ích cho quê hương, đất nước.