Trung tướng Nguyễn Bình (1908-1951).
Bác Hồ và các đồng chí Phạm Văn Đồng (đứng bên trái), Võ Nguyên Giáp (bên phải), Nguyễn Bình (giữa) trước ngày đồng chí Nguyễn Bình nhận nhiệm vụ vào Nam chỉ huy lực lượng vũ trang chống Pháp (cuối năm 1945). Ảnh tư liệu
Năm 1935, khi mãn hạn tù, đồng chí trở về quê nhà, tiếp tục hoạt động, bí mật xây dựng Chiến khu Đông Triều. Cũng trong thời gian này, đồng chí đổi tên thành Nguyễn Bình. Từ năm 1938 đến năm 1942, đồng chí bị bắt giam một lần nữa. Tuy bị quản thúc nhưng đồng chí vẫn nuôi ý chí cách mạng, bí mật xây dựng Đông Triều làm căn cứ chống thực dân Pháp một cách độc lập. Khoảng năm 1942, đồng chí được tổ chức Đảng và Việt Minh giao cho nhiệm vụ mua vũ khí chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời còn vận động binh lính các đồn Thủy Nguyên, Cửa Ông, thị xã Kiến An cung cấp vũ khí. Nhờ súng đạn nhiều mà Đông Triều trở thành chiến khu vững vàng và chùa Bắc Mã là Tổng hành dinh của Quân giải phóng Chiến khu Đông Triều.
Đêm 12-3-1945, đồng chí tham gia đánh trận đồn Bần, Yên Nhân thắng lợi. Trận đánh đồn Bần được coi là trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ. Cũng trong tháng 3-1945, đồng chí đã lãnh đạo tổ chức đánh cướp tàu Pháp ở Hạ Lý - Hải Phòng, hạ đồn Đông Triều, diệt đồn Bí Chợ, đánh địch chiếm thị xã Uông Bí.
Sau 4 tháng kể từ ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), tổ chức Việt Minh do đồng chí Nguyễn Bình phụ trách đã mở rộng địa bàn hoạt động, gây dựng được nhiều cơ sở trong đơn vị thủy binh và quan thuế ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Phong trào cách mạng phát triển rộng khắp, chỉ trong thời gian ngắn, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Bình, du kích quân đã đánh liên tiếp 4 đồn địch ở Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch và giành thắng lợi vang dội. Ngày 8-6-1945, tại đình Hổ Lao, Đông Triều diễn ra Lễ mít tinh biểu dương lực lượng, tuyên bố thành lập Đệ tứ chiến khu (Chiến khu Trần Hưng Đạo) do đồng chí Nguyễn Bình làm Tư lệnh. Sự kiện này đã làm tăng thanh thế của lực lượng cách mạng, tạo điều kiện cho du kích quân đánh chiếm nhiều đồn bốt địch trong khu vực. Đặc biệt là trận đánh chiếm giải phóng thị xã Quảng Yên (đêm 20-7-1945), là tỉnh lỵ duy nhất ở miền Bắc về tay nhân dân trước Cách mạng tháng Tám (1945).
Tướng Nguyễn Bình (thứ hai, phải sang) cùng các đồng chí Lê Duẩn, Huỳnh Văn Nghệ, Dương Quốc Chính tại chiến khu D. Ảnh: Tư liệu
Trong các trận đánh đã thu được 600 khẩu súng trường, 400 khẩu trung liên. Thừa thắng, đồng chí điều quân đi yểm trợ cuộc khởi nghĩa ở Hải Phòng, sau đó giải phóng Tiên Yên, Ba Chẽ, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cát Bà. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí dẫn gần 100 nghĩa quân tiến theo cờ đỏ sao vàng trên đường 18 hướng tới Đông Triều. Cả đoàn chỉ có một khẩu súng trường, còn lại là giáo mác. Cánh tay phải của mỗi người đeo một băng đỏ đính sao vàng. Riêng trên ngực áo đồng chí có gắn miếng vải đỏ có chữ TCH (tức Tổng Chỉ huy). Từ Chiến khu Đông Triều, đồng chí chỉ huy lực lượng tiến công phối hợp với nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức giành chính quyền ở Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An. Hải Dương là một trong những tỉnh giành được chính quyền đầu tiên trong cả nước trước khi mệnh lệnh tổng khởi nghĩa về đến. Sau đó, đồng chí được giao làm Khu trưởng Khu duyên hải Bắc Bộ. Đồng chí là người có công lớn trong bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ ở đây.Tháng 9-1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, chính thức xâm lược nước ta một lần nữa. Đứng trước tình thế khó khăn và nguy cơ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai của thực dân Pháp sẽ nổ ra, ngay sau Hội nghị của Thường vụ Trung ương Đảng thông qua chủ trương kháng chiến Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ gửi lệnh và thư động viên quân và dân Nam Bộ kháng chiến; đồng thời, cử đồng chí Nguyễn Bình - nguyên Tư lệnh Chiến khu Đông Triều, một cán bộ đầy bản lĩnh, có nhiều kinh nghiệm xây dựng lực lượng và căn cứ địa làm phái viên quân sự cho Chính phủ vào Nam Bộ với nhiệm vụ tổ chức thống nhất chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng.
Với uy tín và tài năng mưu lược, đồng chí Nguyễn Bình đã có những quyết định sáng tạo, giải quyết được những vấn đề rất cơ bản ở miền Đông Nam Bộ. Đó là:
- Thống nhất, xây dựng các lực lượng vũ trang và chỉ đạo hoạt động tác chiến tại miền Đông Nam Bộ. Trước tình trạng các đơn vị vũ trang tập trung ở miền Đông Nam Bộ hoạt động cát cứ, manh mún; thành phần hợp thành, biên chế tổ chức, trang bị vũ khí, ý chí, ý thức tổ chức kỷ luật và trình độ chiến đấu rất khác nhau, ngày 20-11-1945, đồng chí Nguyễn Bình chủ trì Hội nghị quân sự Nam Bộ lần thứ nhất tại An Phú Xã, Gia Định (còn gọi là Hội nghị An Phú Xã). Hội nghị đề ra các nội dung như: thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương; thốngnhất xây dựng lực lượng chủ lực làm nòng cốt; đồng thời phát động chiến tranh du kích ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, kìm chân thực dân Pháp ở Nam Bộ, tạo khoảng thời gian 1 năm chuẩn bị cho cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Bình được cử làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ (Tư lệnh đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng ở Nam Bộ). Cơ quan chỉ huy Giải phóng quân Nam Bộ đóng tại Tân Uyên (Chiến khu Đ), gọi là Tổng hành dinh. Như vậy, Hội nghị An Phú Xã đánh dấu sự hình thành bước đầu thống nhất về tổ chức chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng ở Nam Bộ.
Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, ngày 10-12-1945, tại Bình Hòa Nam (Chợ Lớn), Xứ ủy lâm thời Nam Bộ họp Hội nghị mở rộng (còn gọi là Hội nghị Bình Hòa Nam), quyết định tổ chức chiến trường Nam Bộ thành 3 khu: 7, 8, 9; xây dựng các chiến khu Lạc An, Đồng Tháp, U Minh. Đồng chí Nguyễn Bình được chỉ định làm Khu trưởng Khu 7. Địa bàn Khu 7 gồm các tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh và thành phố Sài Gòn. Thi hành nghị quyết của Xứ ủy mở rộng, Khu trưởng Nguyễn Bình ra thông báo: bỏ chức Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ, đổi Tổng hành dinh Giải phóng quân Nam Bộ thành Khu bộ Khu 7. Từ nghị quyết các hội nghị ở An Phú Xã, Bình Hòa Nam và Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương Đảng cho thấy rõ, sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Bình luôn luôn bám sát chủ trương của Đảng. Trên các cương vị Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ, Khu trưởng Khu 7, đồng chí đã đề ra những quyết sách có ý nghĩa quyết định đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ (Khu 7) phát triển một cách đúng hướng, vững chắc, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Bên cạnh chỉ đạo việc xây dựng kiện toàn tổ chức, tăng cường trang bị, vũ khí…, đồng chí Nguyễn Bình còn chỉ đạo các lực lượng vũ trang, vừa tranh thủ huấn luyện vừa tổ chức chiến đấu. Hàng loạt trận đánh diễn ra ở Suối Đá, Bàu Đồn, An Tịnh (Tây Ninh), Lộc Ninh, Bình Khánh, Ông Khương (Thủ Dầu Một), Đức Hòa (Chợ Lớn), Long Phước Thôn (Gia Định), Chiến khu Đ (Biên Hòa)... Tiêu biểu nhất là trận chống càn ở Trung Hưng - Ràng (Gia Định) ngày 17-12-1946 của Chi đội 6 Gia Định với sự phối hợp của Chi đội 11 Tây Ninh. Sự kiện Trung Hưng - Ràng là chiến thắng lớn nhất của lực lượng Vệ quốc đoàn Khu 7 trong hai năm đầu kháng chiến.
Hưởng ứng Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng về “nhiệm vụ của Nam Bộ là không để cho Pháp đem hết tài sản chiếm được ở Nam Bộ ra đánh Trung, Bắc”, tháng 1-1947, đồng chí Nguyễn Bình triệu tập Hội nghị quân sự Khu 7, đề ra nhiệm vụ với nội dung chính: Tiếp tục xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, chống chính sách địch mua chuộc giáo phái và đánh mạnh vào hậu phương quân địch. Đầu năm 1947, đồng chí Nguyễn Bình quyết định rút một số đơn vị từ các chi đội về thành lập 5 liên quân đặc nhiệm (A, B, C, 17, 18). Các liên quân này làm nhiệm vụ cơ động ngăn chặn hành động đánh phá của lực lượng vũ trang Cao Đài phản động và đẩy
mạnh tác chiến đánh địch trên các chiến trường. Bên cạnh các liên quân, Khu 7 còn thành lập 2 trung đoàn bộ binh. Đây là hai trung đoàn đầu tiên được thành lập trên chiến trường miền Đông Nam Bộ.
- Trực tiếp chỉ đạo và tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự tại Khu 7. Ngày 12-12-1945, Khu trưởng Nguyễn Bình quyết định thành lập Trường Quân chính miền Đông (Trường Quân chính Khu 7, nay là Trường Quân sự Quân khu 7) và trực tiếp làm Hiệu trưởng. Ngay sau khi thành lập, trường mở khóa đào tạo đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh, với 50 học viên. Sau 1 tháng đào tạo, huấn luyện, đồng chí Nguyễn Bình trực tiếp phân công phần lớn học viên khóa học Hồ Chí Minh ra trường về các địa phương của hai tỉnh Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Dương), Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) với nhiệm vụ phát động chiến tranh du kích, xây dựng chính quyền cơ sở, trực tiếp đảm nhận chức vụ: chủ tịch xã, chủ tịch Mặt trận Việt Minh. Một bộ phận được đưa xuống các chi đội làm nòng cốt mở các lớp quân chính tại đơn vị, một bộ phận được đưa trở lại Sài Gòn để xây dựng lực lượng. Sau khi hai khóa huấn luyện kết thúc, do địch càn quét ngày càng ráo riết, không thể tiếp tục mở lớp được, đồng chí Nguyễn Bình quyết định điều động số cán bộ này về Trường Quân chính Khu 7 đúng thời điểm trường tiếp tục mở khóa học thứ hai mang tên Võ Nguyên Giáp, với 50 học viên là cán bộ tiểu đội, trung đội của các chi đội và một số thanh niên ưu tú do các tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ giới thiệu. Kết thúc khóa huấn luyện, đồng chí chỉ đạo giữ lại trường số học viên giỏi và tuyển chọn 7 học viên bổ sung cho Chi đội 11 Tây Ninh, số còn lại về các địa phương của Thủ Dầu Một công tác. Tính từ ngày Trường Quân chính Khu 7 được thành lập (12-12-1945) đến năm 1948, trên cương vị là Hiệu trưởng Trường Quân chính Khu 7, Trung tướng Nguyễn Bình đã chỉ đạo tổ chức huấn luyện, đào tạo được gần 1.000 cán bộ quân sự (chưa kể số cán bộ được huấn luyện tại chỗ). Đội ngũ cán bộ quân sự ngay sau khi được đào tạo trở về làm nòng cốt trong xây dựng, chỉ huy chiến đấu tại các địa phương, đơn vị.
- Chỉ đạo xây dựng căn cứ địa chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Đặt chân đến Nam Bộ, sau khi trực tiếp đi nắm tình hình ở các chiến trường, đồng chí Nguyễn Bình về Tân Uyên và qua khảo sát thực địa, đồng chí đã thảo luận với Ban Chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hòa về việc chọn khu vực Lạc An rừng Tân Uyên lập căn cứ địa cho toàn Khu. Ngày 17-12-1945, cơ quan Khu bộ Khu 7 cùng với các bộ phận hậu cần trực thuộc về Tân Uyên xây dựng căn cứ đứng chân và hệ thống phòng thủ. Cùng với cơ quan Khu 7 và Vệ quốc đoàn Biên Hòa, Chi đội 1 - lực lượng Vệ quốc đoàn tỉnh Thủ Dầu Một và nhiều đơn vị vũ trang khác từ miền Bắc, miền Trung, “Nam tiến” và trong toàn Khu cũng chuyển toàn bộ hoặc bộ phận về đóng ở Tân Uyên và vùng kế cận.
Ngày 20-2-1946, Khu trưởng Khu 7 Nguyễn Bình triệu tập Hội nghị bất thường tại Lạc An. Một trong những nội dung quyết nghị quan trọng của hội nghị là xây dựng địa bàn đứng chân, phân bố quy định các khu vực, bố trí hệ thống phòng thủ nhiều tầng, nhiều vùng, bảo đảm chiến đấu ngăn chặn địch, bảo vệ an toàn căn cứ. Trung đội “bộ đội danh dự gương mẫu” được thành lập làm nhiệm vụ nghi thức và lưu động kháng chiến bảo vệ các cơ quan Khu. Toàn bộ vùng căn cứ địa được chia thành nhiều khu vực, mỗi khu vực được gọi theo mật danh A, B, C, Đ là vùng Hố Ngãi Hoang, nơi đứng chân của Tổng hành dinh Khu 7. Chiến khu Tân Uyên từ đây được đặt vấn đề xây dựng và bảo vệ một cách có hệ thống. Danh từ Chiến khu Đ ra đời được gọi luôn cho cả vùng căn cứ lấy đây làm điểm cốt để ngày càng mở rộng. Chiến khu Đ thể hiện sự năng động và tầm nhìn chiến lược về chuẩn bị thực lực để kháng chiến lâu dài của các cán bộ kháng chiến miền Đông Nam Bộ, trong đó có vai trò quan trọng của các đồng chí Nguyễn Bình, Huỳnh Văn Nghệ và Trần Văn Quỳ…
Từ cuối năm 1949, quân và dân cả nước chuẩn bị “chuyển mạnh sang tổng phản công”. Tại chiến trường Nam Bộ, thực dân Pháp tập trung bình định, đẩy mạnh công cuộc xâm lược trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, thực hiện “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người Việt đánh người Việt”. Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị cho Nam Bộ cần đẩy mạnh củng cố tổ chức lại căn cứ địa.
Trên cương vị là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Trung tướng Nguyễn Bình chỉ đạo tổ chức lại hệ thống căn cứ địa, chuyển các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo (Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến - hành chính, Bộ Tư lệnh Nam Bộ) cùng một số cơ quan, đơn vị trực thuộc từ Đồng Tháp Mười xuống U Minh. Nơi đây trở thành căn cứ địa chính của Nam Bộ. Nhiều căn cứ địa được tách ra thành một đơn vị hành chính độc lập như huyện căn cứ Đồng Nai, huyện căn cứ Dương Minh Châu, tỉnh căn cứ Đồng Tháp, tỉnh căn cứ Bạc Liêu. Các hành lang giao thông được thiết lập giữa các căn cứ địa trong từng vùng, nhất là từ chiến khu về các đô thị, làng mạc tạm bị chiếm. Các xưởng sửa chữa vũ khí, sản xuất lựu đạn và nhồi lựu đạn, sản xuất giầy da, bao súng, các xưởng may quân trang... cung cấp phần lớn nhu cầu của bộ đội. Các chi đội phát triển thành trung đoàn, liên trung đoàn, rồi trung đoàn chủ lực, tổ chức nhiều cuộc chống càn thắng lợi với quy mô lớn tại Đồng Tháp Mười, U Minh, Dương Minh Châu, Chiến khu Đ.
Ở chiến trường xa Trung ương, từ đặc điểm cụ thể của địa bàn, quán triệt đầy đủ sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, với trọng trách được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó, Trung tướng Nguyễn Bình đã vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo, đề ra nhiệm vụ và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng căn cứ địa cách mạng trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhờ đó, bảo đảm được chỗ đứng chân cho các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến và lực lượng vũ trang tập trung; bảo đảm có hậu phương tại chỗ, nơi xây dựng và phát triển tiềm lực mọi mặt đáp ứng nhu cầu của cuộc kháng chiến.
Quá trình hình thành và phát triển của các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ nói chung, miền Đông Nam Bộ nói riêng trong thời kỳ đầu kháng chiến gắn liền với sự lãnh đạo của Xứ ủy và các cấp bộ Đảng địa phương, gắn liền với uy tín và năng lực tập hợp, thống nhất lực lượng của một số cán bộ chỉ huy quân sự, mà tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Bình. Ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, uy tín của cuộc kháng chiến, uy tín cá nhân của phái viên Trung ương Nguyễn Bình giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu phục thống nhất các đơn vị vũ trang cát cứ nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng.
Từ những ngày đầu tham gia cách mạng đến lúc hy sinh, trước sự tra tấn, giam cầm trong lao tù thực dân hay trên các chiến trường cam go, khốc liệt, Trung tướng Nguyễn Bình luôn giữ trọn danh hiệu cao quý của người Cộng sản, trung thành với sự nghiệp cách mạng, một lòng một dạ chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đó là tấm gương của một người Cộng sản kiên trung, một tướng lĩnh quả cảm, nghĩa hiệp, giàu đức hy sinh, lòng dũng cảm và tài thao lược. Tên tuổi của Trung tướng Nguyễn Bình gắn liền với Chiến khu Đông Triều, với Sài Gòn - Chợ Lớn, Đông Nam Bộ và Nam Bộ. Những bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng, đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự, xây dựng hậu phương, căn cứ địa trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Đông Nam Bộ vẫn còn giá trị thực tiễn.
Tháng 9-1951, trên đường ra miền Bắc nhận nhiệm vụ, Trung tướng Nguyễn Bình bị địch phục kích, hy sinh tại biên giới Việt Nam – Campuchia (29-9-1951). Tháng 2-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 84/SL truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Trung tướng Nguyễn Bình. Nhà nước đã truy tặng Trung tướng Nguyễn Bình: Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 11-3-2000, Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cùng gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và di chuyển hài cốt của đồng chí về an táng tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh. Để tưởng nhớ, tri ân những công lao đóng góp, hy sinh của người Anh hùng, tại Thành phố Hồ Chí Minh có một con đường mang tên Nguyễn Bình chạy dài từ xã Phú Xuân đến xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè.