Theo Interesting Engineering, Trung Quốc vừa công bố phát hiện một mỏ đất hiếm lớn tại tỉnh Vân Nam với trữ lượng tiềm năng lên tới 1,15 triệu tấn. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc (CGS), mỏ này là nguồn cung cấp praseodymium, neodymium, dysprosium và terbium tiềm năng lớn.
Phát hiện mới thuộc loại mỏ đất hiếm hấp phụ ion siêu lớn, đánh dấu một bước đột phá khác trong hoạt động thăm dò tài nguyên của Trung Quốc. Mỏ đầu tiên thuộc loại này được phát hiện vào năm 1969 tại tỉnh Giang Tây.
Quặng đất hiếm hấp phụ ion là mỏ khoáng sản nơi các nguyên tố đất hiếm tập trung và hấp phụ một cách tự nhiên trên bề mặt các khoáng vật sét. Chúng thường được tìm thấy trong đất granite phong hóa, tương đối dễ khai thác thông qua những phương pháp nhạy cảm với môi trường như trao đổi ion.
Trung Quốc phát hiện mỏ đất hiếm 1,15 triệu tấn
Mỏ mới dự kiến trở thành mỏ chứa các nguyên tố đất hiếm từ trung bình đến nặng quan trọng nhất của Trung Quốc. Khi đi vào hoạt động, mỏ vừa phát hiện tại tỉnh Vân Nam sẽ tăng cường đáng kể nguồn tài nguyên đất hiếm của Trung Quốc, bổ sung cho nhiều ngành công nghiệp từ điện tử thương mại đến xe điện.
Phát hiện mới tiếp nối chuỗi thành công về hoạt động thăm dò khoáng sản của Trung Quốc năm 2024. Tháng 7/2024, các nhà địa chất Trung Quốc phát hiện hai khoáng sản mới, Oboniobite và Scandio-fluoro-eckermannite, tại mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới Bayan Obo ở Nội Mông.
Các khoáng sản này thường chứa những nguyên tố quý giá cho ngành năng lượng mới, công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, quốc phòng, quân sự.
Trung Quốc hiện là một trong những nước sản xuất nguyên tố đất hiếm hàng đầu thế giới. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), phát hiện mới làm tăng thêm danh mục mỏ khoáng sản đất hiếm vốn đã rất ấn tượng của Trung Quốc, hiện bao gồm 17 oxit kim loại với trữ lượng 44 triệu tấn. Năm ngoái, xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc tăng 6%, đạt mức 55.431 tấn.
Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới. Hiện nay, mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước là mỏ Đông Pao, ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Mỏ Đông Pao là các dãy núi liền kề rộng hơn 132 ha, tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn.
Thiên An