Thiếu tướng Võ Minh Như (bìa trái) và các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Quân khu 7.
Đồng chí Võ Minh Như (tên khai sinh là Võ Thí, tên thường gọi là Chín Hiền) sinh năm 1927 tại xã Bảo Ninh - thành phố Đồng Hới- tỉnh Quảng Bình. Sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em (Võ Minh Như là con thứ 9). Nhà nghèo, không có ruộng đất, cuộc sống loạn lạc, năm 1944, theo anh trai, chàng thanh niên Võ Minh Như vào Sài Gòn - Chợ Lớn để mưu sinh lập nghiệp. Với truyền thống vùng quê cách mạng địa linh nhân kiệt và bầu máu nóng tuổi trẻ, Võ Minh Như đã sớm giác ngộ và đến với cách mạng.
Sau Cách mạng tháng 8 thành công, đầu tháng 9/1945 với danh nghĩa quân Đồng minh, quân đội Anh đến Sài Gòn, giúp thực dân Pháp từng bước hòng tổ chức lại bộ máy cai trị thực dân. Trước tình hình đó Xứ ủy Nam kỳ đã chỉ đạo tổ chức các LLVT, các đội tự vệ chiến đấu, đoàn thanh niên tiền phong cứu quốc… Ngày 23/9/1945, đồng chí Võ Minh Như cùng một số thanh niên tiến bộ từ Sài Gòn ra Biên Hòa tham gia Thanh niên Tiền phong, vào Vệ Quốc đoàn. Tại đây ông đã tham gia một khóa học do Vệ Quốc đoàn của Biên Hòa mở, đến ngày 8/10/1945 ông được biên chế vào Đại đội “C” thuộc huyện Long Thành - tỉnh Đồng Nai (Đại đội do đồng chí Lương Văn Nho - sau này là Thiếu tướng Phó Tư lệnh Quân khu 7 chỉ huy). Tại đại đội “C”, ông được điều về làm Trung đội trưởng Trung đội 7 và được kết nạp vào Đảng. Tại Đại đội “C”, đồng chí đã vận động, giác ngộ nhiều người vào Đảng, trong đó có nhiều thanh niên là công nhân, nông dân từ các sở cao su và các xã như: Tam Phước, Phú Hữu, Phước An, Phước Thọ... Đến giữa năm 1946, từ Đại đội “C” làm nòng cốt, lực lượng Vệ Quốc đoàn tại Long Thành đã phát triển lên hơn 200 người, tổ chức thành 4 phân đội. Tháng 6/1946, chấp hành chỉ thị của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu, Vệ Quốc đoàn Biên Hòa (Gồm Vệ Quốc đoàn Biên Hòa và Vệ Quốc đoàn Châu Thành) phối hợp với Vệ Quốc đoàn Long Thành, nhập thành Chi đội 10.
Thiếu tướng Võ Minh Như và con trai: Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7 (nay là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Quân khu 7, năm 2015.
Từ năm 1952 - 1954 đồng chí giữ chức Tiểu đoàn phó - Tiểu đoàn 306 Gia Định Ninh, thời gian này ông đã cùng tiểu đoàn tổ chức nhiều trận đánh, trong đó phải kể đến trận phục kích diệt gọn một đại đội Cao Đài phản động trên Quốc lộ 26. Cũng thời kỳ này Tiểu đoàn 306 cùng với các lực lượng vũ trang tỉnh Gia Định Ninh tổ chức đánh địch càn quét tại chiến khu Dương Minh Châu và các huyện: Bời Lời, Trảng Bom, Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An, Bình Mỹ và thực hiện công tác Cao Đài vận.
Năm 1961 - 1962, ông được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm Khung trưởng - Khung cán bộ quân sự miền Nam, gọi là Đoàn Thực binh 210 (Gồm cán bộ cấp trung đội đến tiểu đoàn) khoảng 200 đồng chí đã được đào tạo tại miền Bắc, được đưa vào miền Nam làm nòng cốt xây dựng, phát triển LLVT. Lực lượng này khi vào Sài Gòn, một số đưa làm cốt cán tận Cà Mau/Quân khu 9.
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM tặng hoa chúc mừng Thiếu tướng Võ Minh Như được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (năm 2017).
Năm 1964 – 1965, đồng chí là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, (là trung đoàn đầu tiên khi thành lập Quân khu 9). Sau đó ông được điều sang làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3/Chủ lực Miền. Vừa mới thành lập và quay trở lại chiến trường miền Đông, Trung đoàn dưới sự chỉ huy của ông đã tổ chức tập kích diệt gọn 2 đại đội quân ngụy đóng tại Gò Dầu, Trảng Bàng (Tây Ninh), tiếp đó đánh tiêu diệt địch tại Bù Đốp - Phước Long. Qua các trận chiến đấu trên cùng với các chiến công khác, Trung đoàn đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3.
Cuối 1967 đầu năm 1968 đồng chí được trên điều về làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5, kiêm Chính ủy Sư đoàn. Đây là giai đoạn oanh liệt và là thời kì thử thách toàn diện với Thượng tá Võ Minh Như. Ông về nhận nhiệm vụ khi toàn sư đoàn đang bước vào giai đoạn 2 của cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968). Địa bàn tác chiến của sư đoàn trải dài từ: Bà Rịa - Long Khánh - Biên Hòa, Tây Bắc Sài Gòn, Trảng Bàng, Dầu Tiếng, bảo vệ căn cứ Dương Minh Châu, Mặt trận Bắc Củ Chi, Mặt trận Long Khánh... Đối tượng tác chiến của Sư đoàn 5 là các đơn vị “sừng sỏ” của Mỹ, Ngụy: Như Sư đoàn 25 Bộ binh cơ giới, Sư đoàn 1 kỵ binh Thiết Giáp, Sư đoàn “Tia chớp nhiệt đới”, Lữ đoàn 1 của Sư đoàn kỵ binh không vận... Trong quá trình “đụng độ” với các lực lượng đó, Võ Minh Như đã thể hiện tài thao lược, “lúc cương, lúc nhu”, “lúc tiến công, khi phòng ngự”… làm nên những chiến thắng vang dội. Qua các cuộc chiến đấu đó, từ một Sư đoàn mới thành lập, vũ khí trang bị không đồng bộ, kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu còn nhiều hạn chế, song chỉ trong một thời gian ngắn, Sư đoàn đã vươn lên thành một Sư đoàn mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Từ năm 1969 -1971, đồng chí được điều giữ chức Hiệu trưởng Trường Trung cấp Miền (Gọi tắt là H14) lúc đó trường đóng ở bắc Sông Măng - Sông Bé sát biên giới Campuchia. Ngày 25/01/1969 khai giảng khóa học đầu tiên hệ Trung cao cho 207 cán bộ - tháng 7 cùng năm bế giảng, các học viên tốt nghiệp đều đạt loại khá và giỏi, đây là một trong những lực lượng cán bộ cốt cán đầu tiên của Miền. Thượng tá Võ Minh Như, người Sư đoàn trưởng năm nào trở thành một hiệu trưởng, một nhà giáo bằng kinh nghiệm thực tiễn trận mạc của mình đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhiều đồng chí cán bộ quân sự cho các đơn vị miền Đông Nam Bộ.
Từ năm 1976 - 1979 ông được bổ nhiệm Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7. Năm 1979 – 1980, bổ nhiệm Tham mưu trưởng Quân khu 7, cũng trong giai đoạn này, Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ V (ngày 30/5/1979) có Nghị quyết thành lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, theo đó Bộ Quốc phòng có quyết định thành lập Bộ Chỉ huy quân sự đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, Đại tá Võ Minh Như được điều về giữ chức Chỉ huy trưởng đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.
Năm 1982 -1984 đồng chí Võ Minh Như được bổ nhiệm Tư lệnh Mặt trận 779/Quân khu 7 (năm 1984, ông được phong quân hàm Thiếu tướng và từ năm 1984 - 1986 được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Quân khu 7 kiêm Tư lệnh Mặt trận 779). Trong giai đoạn này Mặt trận 779 đã phối hợp với Mặt trận 479 và các lực lượng của bạn tổ chức đánh địch giành nhiều chiến thắng lớn, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, góp phần hồi sinh đất nước Ăng Co. Có thể nói, tròn một thập niên trọn nghĩa, vẹn tình giúp bạn hết sức to lớn của Quân đội và Nhân dân Việt Nam, có sự đóng góp của Thiếu tướng Võ Minh Như- người chiến sĩ già, gần 60 tuổi (sinh 1927, sang chiến trường Campuchia: 1982 -1986); bằng bản lĩnh kinh nghiệm qua 2 cuộc trường chinh chống Pháp, chống Mỹ; cao hơn thế là nghĩa tình quốc tế cao cả, ông lại cùng những lính trẻ ra trận, và đã có những đóng góp xứng đáng cho nước bạn hồi sinh.
Thiếu tướng Võ Minh Như và tác giả, nhà báo Nguyễn Văn Bắc, Tổng Biên tập Báo Quân khu 7 tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Quân khu 7, năm 2015.
Dẫu biết rằng, sinh lão bệnh tử là không thể tránh khỏi nhưng trong những ngày này, khi ông bước chân về với “thế giới người hiền”, đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 7; con em Hội đồng hương Quảng Bình tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông... hụt hẫng, tiếc thương vô hạn. Bài viết nhỏ như một nén tâm nhang, thành kính tưởng nhớ về Ông!