Đại đội Bộ binh 10 (C10) đây rồi! Đại úy Nguyễn Đình Luận, Đại đội trưởng C10 hồ hởi đón chúng tôi. Đóng quân tại thôn Bù Tam, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, nhiều năm qua cán bộ, chiến sĩ C10 luôn có mặt kịp thời để giúp dân mỗi khi xảy ra thiên tai, hoạn nạn. Năm 2019, khi lốc xoáy chà xát các ấp 3, 4, Bù Tam và Phước Tiến của xã Hưng Phước gây thiệt hại khoảng 2.500 nọc tiêu, tốc mái nhà của người dân, đại đội đã cử chiến sĩ đến giúp dân dựng lại trụ tiêu và sửa sang nhà cửa. Cũng năm 2019, đại đội cử 32 cán bộ, chiến sĩ tham gia làm hơn 1km đường nông thôn mới tại ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh. Đây là ấp biên giới, điều kiện rất khó khăn, dân cư thưa thớt. Do đường quá hẹp không thể vận chuyển vật liệu bằng xe cơ giới, các chiến sĩ phải vác từng bao cát, đá, xi măng vào điểm xây dựng. Dù điều kiện làm việc vất vả, kéo dài 20 ngày nhưng đội công tác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 3 năm gần đây, xã Hưng Phước có 21 hộ bị thiệt hại do lốc xoáy, làm đổ hàng ngàn nọc tiêu, nhiều căn nhà bị tốc mái, thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng. Đại đội đã đóng góp hơn 2.000 ngày công giúp nhân dân sửa nhà và dựng lại trụ tiêu bị ngã, đổ do mưa bão; tổ chức “Lớp học cho em”; đóng góp 1.320 ngày công cùng nhân dân các xã Tân Tiến, Tân Thành, Thiện Hưng (huyện Bù Đốp) và xã Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh) hoàn thành 1.700m đường bê tông…
Chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa đối diện khu dân cư liền kề xã Thanh Hòa gồm 35 căn hộ khép kín. Đây là khu dân cư thuộc đề án “Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn quân khu giai đoạn 2019-2025” của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 trong chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế vùng biên tại Bình Phước. Với một tỉnh có tới 260,433km đường biên giới với nước bạn Campuchia, việc đưa dân lên biên giới và hỗ trợ dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế là vô cùng quan trọng. 2 năm qua, tỉnh Bình Phước xây dựng được 9 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới với 80 căn nhà. Những người thụ hưởng là dân quân, lực lượng dự bị động viên, cựu chiến binh, người tình nguyện lên sinh sống tại các tuyến biên giới. Thật ấm lòng khi chương trình đã được một số mạnh thường quân vận động hỗ trợ thêm. Bởi thế, ngoài căn nhà với diện tích 70m2 cùng hệ thống điện, nước sinh hoạt, mỗi hộ còn được cấp bò giống, dê giống và cấp từ 360-5.000m2 đất để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài. Tại khu dân cư liền kề xã Thanh Hòa, mỗi hộ còn được nhận một khoảnh đất trước chốt dân quân biên giới để trồng rau. Mỗi sáng, chiều, những người phụ nữ í ới gọi nhau qua chốt để trồng, tỉa và hái rau. Những câu chuyện hằng ngày như tìm việc làm, nuôi dạy con hay canh tác trên phần đất sản xuất được cấp sao cho hiệu quả… được trao qua đổi lại làm cho cuộc sống nơi biên cương này vui vẻ, đầm ấm hơn, tình quân dân càng gắn kết.
Tôi đã gặp chị Nguyễn Thị Đoài đang xới đất chuẩn bị gieo lứa rau cải mới. Chồng mất sớm, 3 mẹ con chị được xét vào sống tại khu dân cư liền kề. Không chỉ được cấp nhà, chị còn được cấp đất sản xuất, bò giống và 2 đứa con (lớp 10 và 12) được miễn tất cả khoản đóng góp tại trường. Chị Đoài không có nghề gì nên ban điều hành ấp đã liên hệ tìm việc làm giản đơn với thu nhập ổn định cho chị.
Trong quán nước ven con đường chính của khu dân cư liền kề, tôi gặp bà Mạc Thị Nông, quê Hưng Yên vào huyện Bù Đốp lập nghiệp từ năm 1993. Gia đình bà là một trong 5 hộ đầu tiên nhận nhà và may mắn được cấp căn nhà hai mặt tiền trên trục đường lớn vào trước tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Với số vốn ban đầu hơn 700 ngàn đồng, bà mua lại chiếc tủ, vài cái bàn ghế nhựa để nấu ăn, phục vụ đồ uống cho lực lượng thi công khu dân cư liền kề nên có thêm một khoản thu nhập. Giờ bà còn cung cấp nước uống đóng chai không chỉ cho các hộ dân trong khu dân cư liền kề mà cả thôn nên vốn kinh doanh của bà đã vượt xa con số 700 ngàn đồng nhiều lần rồi. Bà Nông kể, hồi chưa có chốt dân quân, thi thoảng mấy kẻ nghiện ngập hoặc trốn thi hành án từ Campuchia bơi qua sông Măng xộc vào nhà “xin” gà, “xin” tiền. Giờ có chốt dân quân biên giới, không còn tình trạng trên nêu nên vợ chồng bà yên tâm làm ăn.
Từ Chốt dân quân biên giới Thanh Hòa, đi theo lực lượng bộ đội, biên phòng và dân quân, chúng tôi tới cột mốc đôi số 65. Cột mốc nằm ngay đoạn ngập nước trên bờ sông Măng - dòng sông có cái tên rất đẹp, rất thơ nhưng chảy xiết vào mùa mưa. Dòng sông này có nhiều khúc phân định biên giới 2 nước Việt Nam - Campuchia và đã chứng kiến những cuộc tàn sát đẫm máu của bè lũ Pôn Pốt - IengSary đối với người dân biên giới cả 2 nước. Nhìn những đôi chân dầm trong nước lạnh, tôi hỏi một chiến sĩ: Các con được cấp mấy đôi giày? Anh lính trẻ bẽn lẽn cười: Dạ ba đôi lận, nhưng vào mùa mưa, nhiều hôm chúng con phải đi giày ướt vì không khô kịp cô ơi! Nhưng bất kể khô - ướt, bất kể nắng - mưa, những đôi chân rắn rỏi, tràn đầy sức thanh xuân của các chiến sĩ bộ đội, biên phòng và dân quân vẫn ngày đêm sải bước trên những nẻo biên cương để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng là giữ yên bờ cõi.
Rồi cũng đến lúc phải chia tay cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bộ binh 10, Đồn biên phòng và Chốt dân quân biên giới Thanh Hòa để trở về với công việc thường ngày. Những vòng quay bánh xe như đánh thức con đường rừng đang ngái ngủ. Chỉ cần vượt quãng đường hơn trăm cây số nữa thôi, chúng tôi sẽ trở về nhà để cùng người thân lo một cái tết sum vầy, đầm ấm. Biên ải lùi dần sau lưng. Và trên những nẻo đường biên giới chúng tôi qua, hình ảnh những người lính trẻ sải bước vững chắc trên đường tuần tra; hình ảnh những người phụ nữ cắm cúi cuốc xới bên vườn rau với những câu chuyện rôm rả lúc chiều tà; nụ cười mãn nguyện của người phụ nữ quê Hải Dương đã chọn vùng biên giới Bình Phước làm quê hương… đang dệt nên bức tranh ấm áp, yên bình.
Rồi đây, từ những điểm dân cư liền kề này, nhiều thế hệ sẽ ra đời, lớn lên và tiếp tục nối gót cha anh trong sứ mệnh thiêng liêng, bảo vệ phên giậu Tổ quốc.