Hình minh họa
Hà Nội thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024
Phạm vi thực hiện kiểm kê trên toàn Thành phố theo các cấp hành chính, trong đó xã, phường, thị trấn là đơn vị cơ bản. Kết quả kiểm kê của cấp xã là cơ sở để tổng hợp số liệu kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của cấp huyện, cấp thành phố. Đất đai sử dụng vào mục đích Quốc phòng, An ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì xây dựng và thực hiện.
Đối tượng kiểm kê đất đai định kỳ năm 2024 gồm: diện tích các loại đất, các đối tượng sử dụng đất, đối tượng được Nhà nước giao để quản lý và đối với khu vực tổng hợp theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối tượng kiểm kê chuyên đề, gồm: tình hình quản lý, sử dụng đất sân gôn; cảng hàng không, sân bay; khu vực sạt lở, bồi đắp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và các chuyên đề khác tại địa phương làm cơ sở để thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đối với các loại đất này.
Bộ Xây dựng: Có hiện tượng "cò” thông đồng bỏ cọc đấu giá đất
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc phân tích cơ cấu giá thành, giá bán và nguyên nhân tăng giá Bất động sản và đề xuất giải pháp. Tại báo cáo, Bộ Xây dựng cho biết, bên cạnh những lợi ích đạt được thì việc đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế, tiêu cực.
Theo đó, có hiện tượng "cò đấu giá", thông đồng,... tạo mặt bằng "giá ảo" để thao túng thị trường. "Hiện tượng trả giá rất cao một số lô rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường hay mua đi, bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến tại nhiều nơi, thậm chí mang tính tổ chức", báo cáo nêu.
Gần đây, việc các phiên đấu giá đất tại vùng ven Hà Nội với nhiều kỷ lục về giá hay lượng hồ sơ tham gia được xác lập đã khiến dư luận xôn xao. Có phiên đấu giá thu hút hàng nghìn hồ sơ tham gia, kèo dài xuyên đêm và kết thúc với mức giá trúng cao gấp 18 lần giá khởi điểm.
Đơn cử, phiên đấu giá đất tại huyện Hoài Đức thu hút hàng trăm nhà đầu tư đấu giá xuyên đêm, đẩy giá hơn chục lô đất trúng với mức trên 100 triệu đồng/m2. Lô cao nhất trúng với giá hơn 133 triệu đồng/m2 - gấp 18 lần giá khởi điểm.
Sắp khởi công cao tốc gần 10.000 tỉ đồng ở khu vực Tây Bắc
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có đoạn từ Km19 - Km53 đi qua địa bàn tỉnh Hòa Bình. Dự án được Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối năm 2022, tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Đây là công trình trọng điểm của ngành giao thông vận tải và là tuyến cao tốc đầu tiên được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Dự án có điểm đầu Km 19 00 trước vị trí giao với dự án Xây dựng tuyến đường từ thị trấn Đà Bắc - Thanh Sơn (Phú Thọ), khớp nối với đoạn Km0 - Km19 đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (thuộc địa phận thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc). Điểm cuối tại Km 53 00, khớp nối với dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Hòa Bình - Mộc Châu đoạn tuyến tại tỉnh Sơn La (thuộc địa phận xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ).
Chốt thời điểm vận hành thương mại tuyến metro đầu tiên tại TP.HCM
UBND TPHCM vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Theo đó, quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án bao gồm thời gian hoàn thành thi công vào cuối quý 4/2024. Các nội dung khác không thay đổi so với quyết định đã được duyệt năm 2023.
UBND TP giao chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, tính chính xác, trung thực của các thông tin, số liệu báo cáo, tài liệu trình.
MAUR có nhiệm vụ tổ chức thực hiện dự án metro số 1 theo đúng quy định pháp luật đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thời gian hoàn thành thi công và vận hành thương mại toàn tuyến cuối quý 4 này.
Theo báo cáo mới nhất của MAUR, đến nay khối lượng toàn dự án metro số 1 đã thực hiện đạt 98,58%. Trong đó, gói thầu CP1a đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP đã đạt 100%.
Đề nghị Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đang có chuyến công tác tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 21 tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Hai Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng và đánh giá cao những tiến triển tích cực, qua đó định hướng chiến lược cho sự phát triển của quan hệ song phương, xác lập định vị mới, nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Về các biện pháp thúc đẩy làm sâu sắc quan hệ song phương Việt Nam-Trung Quốc, hai Phó Thủ tướng nhất trí tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hai nước tích cực hiện thực hóa và cụ thể hóa các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh và đạt nhiều thành quả hơn nữa trong thời gian tới.
Hoàng An