Phải khẳng định rằng quá trình triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; đồn, trạm biên phòng” là một hành trình gian nan, thử thách, nhưng cũng có một số thuận lợi nhất định, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự quyết tâm chính trị cao của các thế hệ lãnh đạo, Ban Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu qua các thời kỳ; cùng với tinh thần chủ động sáng tạo, tự lực, tự cường của đội ngũ cán bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương và vai trò tham mưu hiệu quả của cơ quan quân sự các cấp, đã góp phần làm cho vùng biên hôm nay có nhiều khởi sắc, xóa dần “vùng trắng” về dân cư trên tuyến biên giới.
Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, UVTW Đảng, Tư lệnh Quân khu thăm, tặng quà bà con Điểm dân cư liền kề chốt dân quân xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước
Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 thăm, tặng quà bà con Điểm dân cư liền kề chốt dân quân xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An
Những kết quả bước đầu qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án cho thấy sự đồng thuận, ủng hộ cao của lãnh đạo các tỉnh biên giới Bình Phước, Tây Ninh, Long An nói riêng, các địa phương trên địa bàn Quân khu 7 nói chung. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp đều bày tỏ sự quyết tâm đồng hành cùng LLVT Quân khu 7 trong việc củng cố quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng biên, xây dựng các điểm dân cư liền kề các chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng; các công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ, bảo đảm phòng thủ từ xa khi có tình huống. Tính đến nay, các địa phương, doanh nghiệp đã hỗ trợ Quân khu 7 khoảng 250 tỷ đồng để xây dựng các chốt dân quân thường trực biên giới và các điểm dân cư liền kề.
Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM cho biết: Đảng ủy, Bộ Tư lệnh TPHCM đã tham mưu và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, đánh giá rất cao của lãnh đạo thành phố, thấy được trách nhiệm của mình và tham gia cùng với Quân khu thực hiện rất hiệu quả. Thành phố đã hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án của Quân khu 7 hơn 60 tỷ đồng. Thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh thành phố sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo thành phố và phát huy tinh thần tự lực, tự cường để cùng với các địa phương và Quân khu thực hiện thắng lợi chủ trương, đề án nêu trên, nhằm góp phần tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thì vẫn còn một số khó khăn đối với cuộc sống của bà con tại các điểm dân cư biên giới. Đó là giải quyết công ăn việc làm cho bà con, phủ sóng điện thoại, internet đến toàn bộ các điểm dân cư biên giới.
Để giải quyết những khó khăn nêu trên, Quân khu 7 và 3 tỉnh biên giới đều thống nhất cao quan điểm phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thắng lợi Đề án, huy động sức mạnh tổng hợp, các nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, sớm hình thành các khu, cụm dân cư biên giới.
Việc hoàn thành tuyến đường tuần tra biên giới trên địa bàn Quân khu 7 giai đoạn 1 với 267 km và đang thực hiện giai đoạn 2 với gần 35 km, kết nối với đường dân sinh, đang mở ra triển vọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng biên.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đánh giá, việc xuất hiện các điểm dân cư ở khu vực biên giới đã làm thay đổi diện mạo của đường biên. Người dân ở các điểm dân cư này đã tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ đường biên mốc giới, hỗ trợ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ và qua đó góp phần tạo nên thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển. Ông Cường nhấn mạnh: “Tỉnh có kế hoạch phủ sóng điện thoại, sóng internet đến tất cả các chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng cũng như các điểm dân cư liền kề, cố gắng đảm bảo điện thắp sáng cho tất cả các vị trí này để đồng bào lên cư trú sinh sống ở khu vực biên giới được đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tốt”.
Hành trình “Ký sự vùng biên”
(Hết)