Cứ mỗi độ tết đến xuân về, các vùng trồng hoa xung quanh TPHCM và các tỉnh thành lân cận lại rộn rã hẳn lên… Đến thăm các làng hoa, chúng tôi nhận thấy không khí đón xuân thật náo nức, tết cổ truyển của dân tộc đã và đang lan tỏa từ rất sớm. Tại các làng hoa của TPHCM như: Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức, Bình Chánh… ngay từ đầu tháng 11, bà con nông dân các vùng trồng hoa hối hả chuẩn bị đầu tư nhân công, vốn, giống, phân bón, đất trồng… để kịp cung ứng nguồn hoa cho thị trường thành phố. Nhà nào cũng tất bật, người thì làm đất, ươm hoa, bón phân, nhổ cỏ, tưới hoa; người thì chăm chút cắt lá, tỉa cành, uốn cong từng cây bonsai thành hình con công, con phượng và cả con mèo cho năm Quý Mão... Say mê nhất vẫn là các nghệ nhân, họ gần như thức cùng cây, cùng hoa để “canh me” sao cho có được những cây hoa đẹp nhất và nở rực rỡ nhất đúng vào dịp tết với hy vọng khi khách quý đến nhà chúc tết nhau thì mọi người cùng ngắm hoa và trầm trồ khen ngợi…
Dạo quanh các “làng hoa” của TPHCM, chúng tôi hỏi thăm về tình hình hoa xuân năm nay có gì lạ? một ông chủ vựa hoa ở đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp cho biết: “Vì diện tích đất trồng hoa ở Gò Vấp ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa nhanh nên từ tháng 11, gia đình tôi đã đầu tư trồng hoa tại nhà vườn, đồng thời đặt hàng “mua sỉ” số lượng hoa lớn của bà con từ các vùng như: Đà Lạt, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Bến Tre, Sa Đéc (Đồng Tháp), Tiền Giang… để chuẩn bị nguồn hoa dồi dào cho đồng bào thành phố…”.
Mang niềm vui từ làng hoa Gò Vấp, chúng tôi xuôi về huyện Hóc Môn là vùng trồng các loài hoa: cúc vạn thọ, huệ, lan, lài…Trong những ngày giáp tết, một không khí se se lạnh rất đặc biệt bỗng ùa về khắp thành phố mang tên Bác khiến lòng người mát dịu và cây cối đua nhau “đâm chồi, nẩy lộc” hứa hẹn mùa bội thu. Chị Đặng Thị Mai khoe: “Vùng đất Hóc Môn hợp với các loại cây “hàng bông” nên năm nào bà con cũng đầu tư trồng nhiều ha trồng hoa các loại để thu hút các chủ nhà vườn đến thu mua…”.
Rời “làng hoa” Hóc Môn chúng tôi tới “làng hoa” ở vùng “đất thép Củ Chi”, nơi đây những năm trước hầu như hoa không thể mọc nổi trên mảnh đất khô cằn, nắng cháy này, thế nhưng từ khi có dòng nước mát Kênh Đông chảy về tưới mát cho cây xanh, từ đây hoa đã bừng nở trên “vùng đất thép” như một lần nữa khẳng định Củ Chi luôn tỏa sáng cả thời chiến lẫn thời bình.
\Những năm gần đây, Củ Chi còn nổi tiếng với những “làng hoa” chuyên trồng hoa phong lan cung ứng cho thị trường trong nước và còn xuất khẩu sang thị trường các nước như: Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia... Tại vườn lan nhà ông Nguyễn Văn Thư (Vườn lan Ba Thư), ở ấp Bàu Sim, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, ngắm hàng trăm chậu hoa phong lan chuẩn bị “xuất quân” ra thị trường, chúng tôi không khỏi vui mừng. Trước ngày giải phóng, ông Ba Thư chủ vườn lan này là một du kích Củ Chi gan dạ lừng danh, lại là một thương binh nặng ¼. Vậy mà sau ngày giải phóng, người chiến sĩ Giải phóng quân ấy đã “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” và trở thành một ông chủ vườn lan nổi tiếng với hàng trăm chậu hoa lan các loại. Ông kể nhiều lần chở lan đi bán ở các tỉnh, ông tranh thủ ghé các Nghĩa trang liệt sĩ và đặt lên mộ đồng đội những nhành lan tươi thắm để tỏ lòng tri ân…
Trăm hoa đua nở ngày xuân…
Cứ mỗi độ “Tết đến, xuân về” là thành phố mang tên Bác lại trở thành thị trường hoa rộng lớn của cả nước thu hút nhiều nguồn hoa từ các tỉnh, thành đổ về bằng các ngả đường như: đường bộ, đường sông và cả đường hàng không. Như để “tiếp sức” với làng hoa mai ở Thủ Đức và Bình Chánh, bà con nông dân các vùng trồng hoa mai từ các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ cũng đầy ắp nguồn hàng chở về thành phố bằng đường bộ và đường sông để Hội chợ hoa xuân trên đường Nguyễn Văn Kiểu (Quận 4) cứ mỗi độ tết đến xuân về là lại tấp nập “trên bến, dưới thuyền” như được nhuộm thắm sắc mai vàng …
Không chỉ có hoa mai vàng của các vùng Nam Bộ mà còn có cả nguồn hoa Bích đào, Đào phai và các loại hoa Ly, Laydơn, hoa Tigôn, Thược dược, Hải đường… từ các vùng xứ lạnh miền Bắc như: Nhật Tân (Hà Nội), Hải Dương, Thái Bình… cũng theo đường hàng không vào góp mặt với làng hoa thành phố mang tên Bác. Chưa hết, những năm gần đây, các loài hoa Mai trắng, hoa lan rừng từ các vùng rừng núi phía Bắc như: Điện Biên, Hà Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình… cũng theo tiếng gọi của “tình yêu hoa” mà không quản đường xa cũng về thành phố hội tụ. Riêng hàng trăm loài hoa của “xứ sở ngàn hoa” Đà Lạt như: hoa ly, cẩm chướng, loa kèn, hồng nhung, xí muộị, đồng tiền, cát tường… không chỉ có mặt trong những ngày thường mà còn tăng gấp nhiều lần về cả số lượng và chất lượng để hối hả “xuống núi” cùng chị em nhà hoa cùng nhau khoe sắc ngày xuân, góp vui cho đời…
Đến với các làng hoa, chúng tôi như choáng ngợp trước vẻ đẹp của muôn loài hoa mà thiên nhiên ban tặng. Dường như không có cuộc thi hoa hậu nào lại vừa âm thầm, vừa náo nức như ngày hội của các loài hoa thiên nhiên từ mọi miền đất nước trong những ngày xuân của dân tộc. Trong những ngày nghỉ tết, khi ngắm nhìn “trăm hoa đua nở”, chúng ta cảm nhận thấy tuy mỗi loài hoa mang một vẻ đẹp riêng, một sự duyên dáng riêng và một hương sắc riêng… nhưng khi hòa quyện vào nhau đã tạo nên một sắc xuân đẹp tuyệt vời chắp cánh cho cuộc sống con người bay lên tầm cao mới với bao điều tốt đẹp mà tương lai đang giang tay chào đón….