Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 Đinh Thế Văn và ekip chiến đấu đã bắn rơi tại chỗ 4 máy bay B-52
Âm mưu của Mỹ
Đầu năm 1972, quân ta liên tiếp giành thắng lợi trên cả 3 mặt trận: Chính trị, quân sự và ngoại giao. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Cùng thời gian này, nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống và áp lực ngày càng đổ lên đương kim Tổng thống Richard Nixon. Vì vậy, trong chiến dịch tranh cử, R.Nixon phải chuyển từ chiến lược can thiệp trực tiếp sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút quân dần khỏi Việt Nam trong danh dự, đồng thời hỗ trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn chống lại Quân giải phóng.
Ngày 6/4, lấy cớ trả đũa Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tiến công quân Mỹ - Việt Nam Cộng hòa từ Quảng Trị, Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ, Tổng thống Nixon ra lệnh và huy động một số lượng lớn không quân và hải quân, tuyên bố chính thức mở rộng “Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai" - Chiến dịch Linebacker hòng đánh gục ý chí của dân tộc Việt Nam, giành quyền "chủ động" trên bàn đàm phán tại Paris.
Mỹ đã sử dụng máy bay B52 đánh phá các tỉnh miền Bắc gồm: Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng. Tổng thống Mỹ R.Nixon tuyên bố: “Chỉ dừng ném bom miền Bắc Việt Nam khi Cộng sản chấm dứt tiến công ở miền Nam Việt Nam”. Đồng thời, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: “Không có mục tiêu công nghiệp nào ở miền Bắc được loại trừ”.
Tuy nhiên, âm mưu của Mỹ đã không đạt được mục đích bởi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và giải phóng miền Nam của quân và dân ta đã đi đến giai đoạn quyết định.
Chiến thắng lịch sử
Chiến dịch Linebacker thực sự là một đòn bất ngờ đối với miền Bắc, vì phần lớn lực lượng phòng không đã được điều động bảo vệ hậu phương cho Chiến dịch hè 1972. Hơn hết, lần này Mỹ tung ra các loại máy bay và các cuộc tấn công mạnh mẽ và quyết liệt hơn cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1964 - 1968).
Song, quân và dân miền Bắc đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, lập được nhiều chiến công vang dội, giành thắng lợi trong các cuộc tiến công bằng đường không và đường biển của đế quốc Mỹ.
Không nài nỉ ỉ ôi, không chờ người khác ban phát cũng chẳng trông chờ vào sự hỗ trợ của Liên hợp quốc. Với ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, ngày 11/4/1972 Chính phủ Việt Nam đã ra tuyên bố lên án và bóc trần bộ mặt xâm lược ngoan cố và hiếu chiến của Mỹ. Tuyên bố có đoạn viết: "Nhân dân Việt Nam quyết đánh, quyết thắng và nhất định sẽ đánh bại hoàn toàn chính sách "Việt Nam hoá chiến tranh", không một sức mạnh tàn bạo nào, không một sự đe doạ láo xược nào lay chuyển được quyết tâm của nhân dân Việt Nam chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên bộ đội PK-KQ trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972
Chỉ tính riêng từ ngày 9/5 đến ngày 20/10/1972, quân dân ta đã bắn rơi tổng cộng 561 máy bay các loại, bắn rơi và bắt sống nhiều phi công địch. Đến tháng 10/1972, trên miền Nam, quân và dân ta tiếp tục giành được nhiều thắng lợi to lớn. Lúc này, Mỹ vừa phải rút các đơn vị bộ binh vừa “Mỹ hóa” trở lại bằng không quân và hải quân để tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Ở miền Bắc, mặc dù đã triển khai “Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai” nhằm phá hoại miền Bắc nhưng lực lượng Mỹ đã không đạt được kết quả nào. Sự chi viện cho chiến trường Nam tiếp tục được quân và dân ta đẩy mạnh.
Chiến tranh kéo dài đã tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị và xã hội ở Mỹ, nhất là khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần. Lúc này, nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới lên án mạnh mẽ và yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Sự gia tăng của phong trào phản đối chiến tranh ở trung tâm Mỹ đã buộc Nhà Trắng phải tìm một lối thoát cho Việt Nam.
Trước sức ép, Tổng thống Mỹ cử Ngoại trưởng Henry Kissinger đến Paris để nối lại đàm phán. Ngày 8/10/1972, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ họp kín phiên thứ 19 với Cố vấn đặc biệt của Việt Nam là đồng chí Lê Đức Thọ và chấp nhận các điều khoản “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” do phía Việt Nam đưa ra. Thất bại trên mọi mặt trận, đặc biệt là trận quyết chiến chiến lược 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, Mỹ cút rồi ngụy nhào; non sông, đất nước Việt Nam liền một dải.
Thắng lợi của quân và dân ta trong "Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai” đế quốc Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng có ý nghĩa lịch sử to lớn. Đó là chiến thắng huy hoàng, là biểu tượng của tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, trí tuệ, thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đến nay dù đã qua 50 năm nhưng đó mãi mãi là chiến thắng vàng son, niềm tự hào của các thế hệ con người đất Việt.