Nhiều tờ báo lớn của các nước đã đăng bài trang trọng về Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, trong đó nhấn mạnh về tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam với vai trò là nước chủ nhà tích cực, có trách nhiệm trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác APEC.
Các lực lượng phối hợp diễn tập phương án bảo vệ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại buổi tổng duyệt vào ngày 22-10
Chủ nhà tích cực, chu đáo
Tờ Japan Times (Nhật Bản) số ra ngày 4-11 đã dành trang 3 để đăng bài viết “APEC Việt Nam 2017 - tiếp nối chặng đường 30 năm đổi mới” của Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh. Bài viết đã nêu bật những thành tựu sau 30 năm đổi mới, vai trò của Việt Nam - nước chủ nhà trong việc đảm bảo thành công của APEC 2017. Bài viết khẳng định, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về chính trị, kinh tế, ổn định an sinh-xã hội và giữ vững các nét văn hóa truyền thống của dân tộc, song hành với việc tiến hành hội nhập sâu, rộng và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Năm 2017, Việt Nam đã thể hiện vai trò là nước chủ nhà tích cực, có trách nhiệm trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác APEC, giữ vững vị thế và hình ảnh của APEC luôn là diễn đàn đi đầu trong việc đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại năng động của thế giới nói chung cũng như của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.
Nhật báo Kampuchea Thmey (Campuchia) số ra ngày 3-11 đã đăng bài viết “APEC 2017: Tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam”, nhận định sự ủng hộ và tham gia tích cực của các nền kinh tế APEC, các tổ chức khu vực và quốc tế đối với Năm APEC 2017 sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam phát huy được sức mạnh mềm, thể hiện vai trò năng động, dẫn dắt và trách nhiệm của thành viên diễn đàn hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với tiêu đề “Chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược và phục hồi trọng tâm ngoại giao”, tờ The Washington Times (Mỹ) số ra ngày 3-11 đã bình luận về chặng dừng chân tại Việt Nam tham dự APEC 2017 của Tổng thống Donald Trump; cho rằng Việt Nam và Mỹ ngày càng trở nên gần gũi hơn. Hai nước luôn mong muốn duy trì và phát triển những thành quả đạt được trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 vừa qua, theo đó, cam kết tăng cường các mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng và hàng hải.
Tạo động lực mới
Trang mạng Thayer Consultancy đăng tải bài viết của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á và Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia, với nội dung nhận định, APEC 2017 là cơ hội để Việt Nam nâng cao vai trò trên trường quốc tế. Theo Giáo sư Carl Thayer, Việt Nam đã chọn chủ đề thể hiện sự cấp bách của việc phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng cách hội tụ sự đồng thuận trong các nền kinh tế thành viên APEC để thúc đẩy các nỗ lực tăng trưởng và hội nhập kinh tế khu vực thông qua thương mại và đầu tư. Chủ đề của APEC 2017 cũng sẽ thúc đẩy mục tiêu chung và dài hạn của APEC là xây dựng một cộng đồng hòa bình, ổn định, hội nhập và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Giáo sư Guillermo Perez Cena thuộc Khoa Ngoại thương của Đại học Thế kỷ 20, thành viên Hiệp hội Hợp tác và hội nhập châu Á - châu Mỹ, cho biết, ông vừa có chuyến làm việc 10 ngày tại Việt Nam và cảm nhận được không khí chuẩn bị sôi động cho APEC 2017 của nước chủ nhà.
Trước thềm APEC 2017, nhà kinh tế Jayant Menon của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, APEC đã trở thành một chuẩn mực để các nền kinh tế thành viên theo đuổi “chủ nghĩa khu vực mở” - nguyên tắc bất biến của APEC kể từ khi ra đời vào năm 1989, theo đó vừa đặt mục tiêu thúc đẩy tự do hóa kinh tế nội khối, song vẫn chú trọng duy trì thị trường mở cửa đối với bên ngoài.
Nguồn: sggp.org.vn