Ngày 23-11, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, đã ký công điện khẩn yêu cầu các sở ngành và quận huyện tập trung ứng phó cơn bão số 9 dự kiến sẽ đổ bộ vào TP vào chiều 24-11. Theo đó, các đơn vị tập trung hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, nhà máy, xí nghiệp… và chuẩn bị phương tiện sẵn sàng ứng phó, tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, TP yêu cầu hoãn các cuộc họp không cần thiết.
Di dời dân đến nơi an toàn
Lãnh đạo TP HCM cũng yêu cầu huyện Cần Giờ và Nhà Bè di dời các hộ dân có nhà cửa đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến nơi an toàn. Công tác di dời phải hoàn thành trước 12 giờ ngày 24-11. Các địa phương phải chủ động thu hoạch và bảo vệ khu nuôi trồng thủy hải sản, thực hiện các biện pháp giảm thiểu thiệt hại với lồng bè hải sản, tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu bè, chòi canh khi bão đổ bộ.
Lực lượng quân đội giúp người dân đảo Phú Quý neo đậu tàu thuyền tránh bão Ảnh: VIỆT KHÁNH
Tối 23-11, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết các lực lượng chức năng đang di dời dân. Phương án di dời được thực hiện tại chỗ, người dân được đưa đến những nơi kiên cố như trường học, công sở. Đối với xã đảo Thạnh An, lực lượng công an và quân sự đã có mặt để hỗ trợ dân và bảo đảm an ninh, trật tự cũng như ứng phó sự cố. Lệnh cấm biển đã được huyện thực hiện từ 13 giờ cùng ngày; tàu thuyền, đò ngang không được phép hoạt động, trừ phà Bình Khánh.
UBND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Vũng Tàu đã họp khẩn với các phòng ban, đơn vị, đoàn thể, phường xã nhằm triển khai phương án ứng phó với bão số 9. TP Vũng Tàu dự kiến sẽ sơ tán 1.250 người dân đến 10 địa điểm tập trung.
Từ chiều 23-11, TP Vũng Tàu cấm người dân và du khách tắm biển, kêu gọi neo đậu tàu thuyền, các nhà hàng nổi trên sông không được đón khách, không tổ chức ăn uống trên các bè. Trong khi đó, tại huyện Đất Đỏ, UBND thị trấn Phước Hải đã phát loa và đến tận vùng dân cư dọc bờ biển vận động người dân dùng bao cát chằng mái nhà, kêu gọi hàng trăm ngư dân đánh bắt bằng thuyền thúng gấp rút quay vào bờ. Chính quyền thị trấn thuê xe cẩu giúp người dân đưa hơn 300 thuyền lên bờ kè. Hơn 3.000 dân sẽ được di dời đến nơi tránh trú.
Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết bảo đảm tính mạng con người là trên hết nên các địa phương phải chú trọng di dời dân đến nơi an toàn. Đến 12 giờ ngày 24-11, tỉnh này tạm thời không đón khách du lịch và các địa điểm du lịch không được tổ chức ăn uống.
Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn gần 1.000 tàu cá đang hoạt động trên biển. Bộ đội Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông báo tình hình và yêu cầu các tàu khẩn trương về bờ, tìm nơi tránh trú. Trước đó, tỉnh này cũng cấm tàu cá ra khơi từ đêm 22-11 và thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 24-11.
Trong ngày 23-11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng có công điện khẩn yêu cầu toàn tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão. Yêu cầu sở ngành và các địa phương tập trung lực lượng, phương tiện ứng phó khi có tình huống bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất xảy ra…
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra công tác sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất… tại TP Nha Trang. Theo UBND TP Nha Trang, địa phương này vẫn giữ nguyên phương án di dời người dân dù bão số 9 được dự báo lệch về phía Nam vì rút kinh nghiệm từ trận lũ quét xảy ra trên địa bàn khiến 20 người chết vừa qua.
Sẵn sàng ứng phó lũ quét
Từ sáng sớm 23-11, tại tỉnh Ninh Thuận, ngư dân ở các địa phương ven biển đã khẩn trương đưa phương tiện đánh bắt hải sản vào bờ, neo đậu cẩn thận. Chính quyền địa phương liên tục phát loa phóng thanh khuyến cáo người dân chèn chống nhà cửa, không ra ngoài khi bão đến. Tại cảng cá Đông Hải, hơn 400 tàu thuyền đang đánh bắt ngoài khơi đã lần lượt quay về từ khuya 22-11.
Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Ninh Thuận, nhiều đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp đến các vùng xung yếu để chỉ đạo công tác ứng phó; huy động tối đa nhân lực, vật lực sẵn sàng tại chỗ để xử lý các tình huống xấu.
Được dự báo là địa bàn trọng điểm của bão đổ bộ là huyện Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) nên Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu chủ tịch UBND huyện và trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Phú Quý phối hợp đơn vị liên quan triển khai khẩn cấp việc kiểm tra bố trí neo đậu tàu thuyền, phương tiện vận tải xung quanh khu vực đảo; không để người, ngư dân ở lại trên tàu, lồng bè khi đã neo đậu, chằng buộc xong. Toàn huyện đảo Phú Quý hiện có hơn 1.400 tàu thuyền với 6.900 lao động. Hiện các tàu thuyền đã neo đậu an toàn. Người dân đã chằng chống nhà cửa, chặt hạ các cây có nguy cơ ngã đổ.
Chiều 23-11, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam gửi công điện đến các đơn vị thành viên các tỉnh, thành phía Nam chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân; chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra. Công ty Lưới điện cao thế Miền Nam và các công ty điện lực thực hiện chặt chẽ việc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bảo đảm cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với những tình huống, bảo đảm cấp điện an toàn và nhanh nhất cho các phụ tải quan trọng, các trạm bơm tiêu úng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn; phối hợp cơ quan chức năng cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới…
Nguồn: baomoi.com