(QK7 Online) - Với nguồn vốn vay không tính lãi của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Quân khu 7 hỗ trợ các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đến nay nhiều chị em đã thoát nghèo, có nguồn thu ổn định, tích cực xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Đối với Hội phụ nữ Kho K75 Cục Kỹ thuật quân khu, các chị đã tổ chức chăn nuôi heo hiệu quả, tăng thêm thu nhập cho gia đình từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Chúng tôi đến thăm gia đình đại úy chuyên nghiệp Vũ Thị Liễu Ngoan, thủ kho quân khí Kho K75. Ngôi nhà khang trang nằm ngay thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Trao đổi với chúng tôi, chị cho biết: Được Quân khu 7 cho vay 20 triệu không tính lãi, trong thời hạn 2 năm, chị đã bàn bạc cùng chồng, cũng công tác cùng cơ quan tổ chức chăn nuôi heo thịt. Lứa đầu tiên do thiếu kinh nghiệm nên không có lời. Không nản lòng, chị học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi heo để tiếp tục gây dựng đàn heo mới.
Theo chân chị ra khu tăng gia tập trung của đơn vị, nhìn đàn heo “háu ăn” đang phát triển tốt, mới thấy chị em phụ nữ Kho K75 rất “mát tay” trong chăn nuôi. Hiện trong chuồng của chị đang nuôi hơn 10 con heo thịt. Dự tính khi xuất chuồng đạt trên 1 tấn heo hơi. Theo như chị nói, đây là khoản lời từ 20 triệu đồng vốn vay ban đầu.
Đàn heo thịt của chị Vũ Thị Liễu Ngoan
Còn với đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Kim Thoa, nhân viên văn thư của kho thì ngoài chăn nuôi heo thịt, chị còn nuôi heo lai rừng cho thu nhập khá cao. Theo chị, nuôi heo lai rừng không phải đầu tư chuồng trại, thức ăn không tốn kém mà giá bán lại cao.
Đàn heo lai rừng của chị Nguyễn Thị Kim Thoa
Để mô hình chăn nuôi heo đạt hiệu quả, ngoài vốn vay dài hạn, không tính lãi, phải nói đến sự quan tâm của Ban chủ nhiệm Kho K75 đối với các hội viên phụ nữ. Ngoài việc tạo điều kiện về thời gian, Ban chủ nhiệm kho còn hỗ trợ chuồng trại, điện nước, thức ăn chăn nuôi… góp phần làm tăng hiệu quả chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất. Trung tá Nguyễn Văn Trung, Chính trị viên Kho K75 cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm và luôn tạo điều kiện thuận lợi để các hội viên phụ nữ đơn vị phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập cho bản thân. Nhiều chị em chưa có kinh nghiệm chăn nuôi heo, chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho đồng chí phụ trách hậu cần hướng dẫn, giúp đỡ chị em chăm sóc đàn heo phát triển tốt, không để dịch bệnh xảy ra. Tôi thấy đây là mô hình hay, rất thiết thực cho các đơn vị có điều kiện đất đai như Kho K75 và mong rằng trong thời gian tới quân khu tiếp tục cho các chị em của kho được vay vốn để làm kinh tế gia đình”.
Có thể nói, mô hình chăn nuôi heo hiệu quả của Hội Phụ nữ Kho K75 không những tăng thu nhập cho các hội viên mà còn tạo ra phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi trong toàn quân khu.
Thu Cúc