Những bài học không có giáo án
Nhập ngũ năm 1991, năm 2006, khi đang là Đại đội trưởng Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, Sư đoàn 5, đồng chí Đoàn Đình Tinh được điều động về nhận nhiệm vụ là Phân đội trưởng Đội K70. Đến tháng 7/2018, anh được cấp trên tin tưởng giao cương vị mới là Đội trưởng Đội K70. Hơn 14 năm trôi qua anh gắn liền với công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hi sinh tại chiến trường Campuchia.
Thượng tá Đoàn Đình Tinh trong lễ bàn giao hài cốt liệt sĩ giữa tỉnh Tbông Khmum với Đội K70.
Tuy vậy, bàn tay người lính đã quen với súng đạn, huấn luyện thao trường, nay cầm cuốc, xẻng tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ không tránh khỏi lúng túng, bỡ ngỡ và nỗi sợ bản năng. Không có bất cứ một giáo trình nào về việc tìm hài cốt mà sẽ vừa làm vừa tìm hiểu, học hỏi, rút kinh nghiệm. Do vậy, là người cán bộ phân đội, anh thực hiện “3 cùng” với chiến sĩ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, trực tiếp hướng dẫn đào tìm, động viên tinh thần anh em.
Đi qua hơn 8 tỉnh, thành Campuchia
Hơn 19 năm qua, dấu chân của các chiến sĩ Đội K70 đi qua hơn 8 tỉnh, thành Campuchia. Mỗi đợt đưa quân sang, anh đều thực hiện tốt công tác khảo sát, nắm thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến từng phum, sóc, phối hợp với lực lượng của nước bạn, chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo để thu thập những nguồn tin, manh mối quan trọng có được từ người dân địa phương.
Do đặc thù làm việc trên đất bạn, thời tiết khắc nghiệt, bom đạn còn sót lại sau chiến tranh, phần lớn hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đều bằng sức người. Bởi vậy, Thượng tá Đoàn Đình Tinh luôn chủ động hướng dẫn các chiến sĩ cách phân biệt được hài cốt bộ đội Việt Nam, các kỹ năng đào đất, cuốc đất sao cho nhanh, gọn, bền sức, không để sót và không chạm vào di thể liệt sĩ.
Đội K70 tiến hành quy tập hài cốt liệt sĩ ở nước bạn Campuchia.
Có những trường hợp chỉ có thông tin về một hài cốt nhưng phải mất 10-15 năm tìm kiếm vẫn không có kết quả. Cũng có vị trí, đội phải đào tới hàng chục lần, mất rất nhiều thời gian và công sức, khối lượng đất, đá lên tới hàng trăm mét khối mới phát hiện được những mẩu xương đã vụn, đen sạm và di vật của bộ đội ta.
Trăn trở lớn nhất của Thượng tá Đoàn Đình Tinh là chưa trả được tên cho các liệt sĩ. Anh còn nhớ, năm 2012, đội quy tập gần 100 hài cốt được chôn tập thể ở phum Khlay, xã Tà Rịa, tỉnh Tbông Khmum sau 3 lần nỗ lực tìm kiếm nhưng đội lại không có manh mối hay bất kì thông tin nào của các liệt sĩ. Anh chia sẻ: “Ngày nào chưa trả được tên cho các anh, các chú thì ngày đó tôi và đồng đội vẫn day dứt, áy náy vô cùng. Bởi các anh, những người con của Tổ quốc, khi hi sinh chẳng để lại tên, tuổi, chẳng để lại địa chỉ nhưng các anh mãi sống trong trái tim của triệu triệu đồng bào. Chúng tôi sẽ cố gắng, kiên trì hơn nữa để tìm kiếm và đưa các anh sớm trở về quê hương”.
Với những người lính làm nhiệm vụ đặc biệt, có ý nghĩa nhân văn cao cả ấy, khi vẫn còn những liệt sĩ chưa được trở về với đất mẹ Việt Nam, họ vẫn tiếp tục lên đường.