Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries, đánh dấu Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh: TL
Trong quá trình chiến đấu, trong một số cán bộ, chiến sĩ đã có lúc đã xuất hiện tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực như ngại thương vong, ngại tiêu hao, mệt mỏi, ngại khó, ngại khổ; chủ quan khinh địch, tự mãn với thắng lợi bước đầu. Để khắc phục tư tưởng này, Bộ Chính trị ra chỉ thị để các đơn vị kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo Đoàn Văn công đến biểu diễn ngay tại chiến hào, trong hầm pháo; hát cho bộ đội ở vị trí tiền tiêu nghe qua máy điện thoại. Nhiều bài thơ, văn, bài hát và những thước phim tư liệu quý; 33 số báo của Báo Quân đội nhân dân với nội dung phong phú đã trở thành món ăn tinh thần, cổ vũ động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi của chiến dịch…
Theo kế hoạch ban đầu, phương châm tác chiến của ta là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, tập trung lực lượng nhanh chóng tiêu diệt địch trong thời gian ngắn khoảng 2 ngày 3 đêm. Tuy nhiên, trước tình hình mới, ta đã thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Trước tình huống mới, việc chuẩn bị chiến trường phải làm lại từ đầu, đặc biệt là phải kéo pháo ra. Điều đó làm cho không ít cán bộ, chiến sĩ thắc mắc, tư tưởng chưa thông suốt. Chính vì vậy, công tác chính trị, tư tưởng đã tập trung giáo dục cho bộ đội nhận thức đầy đủ về tình hình chiến dịch, tính khách quan, tất yếu của việc thay đổi phương châm tác chiến; lấy kết quả thắng lợi của các chiến dịch trước đây để giáo dục, động viên bộ đội phát huy cao độ ý chí quyết tâm chiến đấu; tập trung làm cho bộ đội nhận rõ mục tiêu, nhiệm vụ, cách đánh, trên cơ sở đó, phát huy tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, xây dựng cho bộ đội ý chí quyết tâm chiến đấu cao và trách nhiệm chính trị đối với chiến dịch.
Với lực lượng mạnh, địch đã bố trí một hệ thống phòng ngự dày đặc gồm 49 cứ điểm với hệ thống hỏa lực nhiều tầng, có chiến hào ngang dọc và khả năng phòng ngự độc lập, có khả năng ứng cứu, chi viện lẫn nhau. Một số cứ điểm còn có hầm ngầm, hàng rào dây thép gai bao quanh từ 50 đến 200m. Ngoài ra còn có các bãi mìn dày đặc và hàng rào điện sát mặt đất... Đây là khó khăn, trở ngại to lớn trong chiến đấu. Trước tình hình đó, cấp ủy, chỉ huy, cán bộ các cấp đã chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của bộ đội, kịp thời động viên, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu và cổ vũ cán bộ, chiến sĩ thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, chịu đựng gian khổ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó, công tác tư tưởng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của đợt 1, tiêu diệt cả ba trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo.
Trong đợt 2 chiến dịch, sau các trận đánh ở cứ điểm A1 và 105 không thành công, ngày 4-4-1954, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công để củng cố lực lượng, giữ vững trận địa và tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc tiến công mới. Nhằm khắc phục hiện tượng hữu khuynh tiêu cực, Đảng ủy chiến dịch phát động một đợt sinh hoạt chính trị, đấu tranh với tư tưởng cầu an, dao động, ngại gian khổ, hy sinh, nâng cao lòng tin tưởng vào thắng lợi và tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” của cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận. Cơ quan chính trị xuống từng đơn vị phổ biến kế hoạch tác chiến mới và giáo dục cho bộ đội nhận thức rõ tình hình, củng cố quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó ta đã hoàn thành mục tiêu trong đợt tấn công thứ ba ngoài mong đợi. Đây là một thành công nổi bật về công tác chính trị, tư tưởng của ta trong thời điểm nóng bỏng của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong chiến dịch, đã có nhiều tấm gương xả thân chiến đấu và anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, như: Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng; Hoàng Văn Nô dùng lê đâm liên tiếp chết nhiều tên địch, cho đến khi bị tử thương mà vẫn trong tư thế hiên ngang diệt địch; Tô Vĩnh Diện đã không chút do dự hy sinh tính mệnh để bảo vệ pháo; Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai… Đó là những chiến sĩ quân báo một mình dùng mưu trí bắt sống nhiều địch, những chiến sĩ lái xe bị thương không rời tay lái... Tại tuyến lửa, Nhân dân ta đã sát cánh cùng với bộ đội, lăn mình trong khói lửa tải đạn, tải thương binh. Tại các bệnh viện, trên đường tải thương, Nhân dân đã chăm sóc, thăm hỏi thương binh như con em ruột thịt, cung cấp cho bộ đội mọi nhu cầu cần thiết để chiến đấu và trực tiếp chiến đấu bên cạnh bộ đội từ cái kim, sợi chỉ, miếng quà, tấm bánh, gửi hàng nghìn bức thư cổ vũ thăm hỏi chiến sĩ, gửi đến cho chiến sĩ cả tấm lòng thương yêu đùm bọc của toàn dân.
Việc cổ vũ động viên kịp thời thương, bệnh binh giữ vững ý chí quyết tâm và có nghị lực vượt qua đau đớn, yên tâm điều trị và luyện tập để sớm bình phục. Trong đó, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với tổ chức thực hiện công tác chính sách, hậu phương Quân đội đã tạo nên sự đoàn kết, quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Văn công phục vụ bộ đội, dân công tại mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7