Chính phủ đặt mục tiêu đến 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm.
Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự phát triển vô cùng nhanh chóng của một số ngành như: công nghiệp ô tô điện, công nghiệp viễn thông, điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Nhiều quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam, có cơ hội lớn để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn. Việt Nam có tiềm năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực này, với mục tiêu tự chủ về công nghệ thiết kế và sản xuất chip.
Các chuyên gia nhận định, sự phát triển của ngành bán dẫn sẽ góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự bền vững kinh tế cho Việt Nam, giảm phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu. Tuy nhiên, để thành công, Việt Nam cần quyết tâm cao và những bước đi tham vọng để "khai phá" tiềm năng của ngành công nghiệp nghìn tỷ USD này.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)…
Bảo Minh