Bìa tập sách "Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1963-1975).
Sự ra đời tất yếu của lịch sử rất chú trọng công tác tuyên truyền, báo chí. Năm 1925, trước khi hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, Bác Hồ sáng lập ra tờ Báo Thanh Niên. Thực hiện tư tưởng và đường lối của Người, ngay những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, cùng với kiện toàn lực lượng lãnh đạo và chỉ huy các LLVTGPMNVN, Quân ủy và Bộ chỉ huy các LLVTGPMN (Bộ chỉ huy Miền) đã chú trọng công tác tuyên truyền và vận động cách mạng. Ngày 25-3-1963, Trưởng ban Quân sự Miền Trần Nam Trung ký văn bản thống nhất chủ trương thành lập Báo Quân giải phóng miền Nam. Sau thời gian chuẩn bị, ngày 1-11-1963, Báo Quân giải phóng miền Nam được thành lập tại chiến trường Tây Ninh. Số đầu tiên ra ngày 1-11-1963 với 4 trang khổ A5. Từ ngày thành lập cho đến khi hoàn thành sứ mạng lịch sử (15-10-1975), Báo Quân giải phóng miền Nam xuất bản 338 số.
Với tâm huyết phục dựng diện mạo của tờ báo có vai trò lịch sử của các LLVTGP thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Đại tá, PGS, TS Hồ Sơn Đài dành trọn 2 năm sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng viết và cho ra đời tập sách như một công trình khoa học quý hiếm.
Tập sách dày 400 trang (khổ 16x24 cm) ắp đầy tư liệu. Có cả những tư liệu quý mà ngay những người trong cuộc chưa từng biết.
Đáng quý nhất, với 108 số báo có trong tay, tác giả Hồ Sơn Đài đã phục dựng được quá trình hình thành và phát triển của Báo Quân giải phóng miền Nam trong 12 năm hoạt động. Hơn thế, lịch sử hình thành và phát triển của các LLVTGP trong thời kỳ trọng điểm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (thông qua từng số báo) đã được tái hiện trung thực và sinh động. Là tác giả của hàng chục tập sách lịch sử, mỗi tập sách là một công trình nghiên cứu khoa học, Hồ Sơn Đài sử dụng bút pháp viết sử một cách mới lạ. Với 4 chương và phần phụ lục, tập sách như một công trình khoa học chân thực không chỉ về tờ báo có vai trò lịch sử của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền một thời mà còn khắc họa chân dung của những người tạo dựng ra nó. Nhiều cựu cán bộ, phóng viên Báo Quân giải phóng miền Nam không thể ngờ rằng 12 năm hình thành và phát triển, Báo Quân giải phóng miền Nam có tới 64 người làm việc từ Thư ký tòa soạn đến những người hoạt động sau trang báo. Dụng công sưu tầm tư liệu và hiện vật; lặn lội khắp cả nước tìm gặp nhân chứng, Hồ Sơn Đài đã công bố văn bản từng số báo và danh tính của 64 người đã từng làm Báo Quân giải phóng.
Những người làm Báo Quân giải phóng miền Nam từ Tổng biên tập đầu tiên Lê Đình Lệ (Tư Trực, các Tổng biên tập: Hồ Văn Sanh, Nguyễn Viết Tá đến các phóng viên, biên tập viên: Trần Nam Hưng, Phạm Phú Bằng, Vũ Tuất Việt, Trần Phấn Chấn, Mai Bá Thiện, Đặng Văn Nhưng...; thế hệ phóng viên trẻ vừa tốt nghiệp khóa 1 đại học báo chí: Vũ Ngọc Xiêm, Đỗ Tất Thắng, Nguyễn Sung, Trần Đình Bá, Nguyễn Việt Ân, Vũ Đình Hưng... Đặc biệt, những nhà báo liệt sĩ: Phạm Ngọc Châu, Thân Trọng Hân... mỗi người một nét, bằng sự cống hiến vô tư, trong sáng của mình góp công xây dựng nên truyền thống tờ báo anh hùng.
Tư liệu quý bổ sung lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam
Từ lúc ra đời cho đến khi kết thúc vai trò lịch sử, Báo Quân giải phóng miền Nam chỉ tồn tại 12 năm. Nhưng đó là giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc ta. Tác giả Hồ Sơn Đài khéo léo bố cục 4 chương gắn liền với 4 giai đoạn lịch sử của chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Đó là giai đoạn 1963-1965 gắn liền với "Chiến tranh đặc biệt (Chương 1); giai đoạn 1966-1968 gắn liền với "Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân" (Chương 2); giai đoạn 1969-1972 gắn liền với "Đông Dương là một chiến trường" (Chương 3) và giai đoạn 1973-1975 gắn với "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975" giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (Chương 4). Và cũng là giai đoạn Báo Quân giải phóng miền Nam hoàn thành sứ mạng lịch sử (15-10-1975).
Đây thực sự là tư liệu quý hiếm bổ sung cho phần khuyết về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường trọng điểm: Miền Nam thành đồng Tổ quốc.
Đúng như nhà văn, nhà sử học người Mỹ Geoffrey Wart đã viết: "Báo chí là bản nháp đầu tiên của lịch sử". Cũng như những phương tiện truyền thông khác lúc bấy giờ như: Báo Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng, Chương trình Phát thanh Quân giải phóng miền Nam... nội dung Báo Quân giải phóng miền Nam phản ánh, quy chiếu cuộc chiến tranh chống Mỹ trên chiến trường miền Nam từ hướng tiếp cận của những người lính-phóng viên chiến trường.
Vì lẽ đó, tập sách "Báo Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (1963-1975)" là công trình khoa học trân quý.