Thiếu tướng Trần Văn Danh
Năm 1948, đồng chí Trần Văn Bá được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Do yêu cầu bí mật của tổ chức, đồng chí đổi tên thành Trần Văn Danh (bí danh Ba Trần). Từ năm 1949 đến năm 1954, đồng chí là Phó Tham mưu trưởng kiêm Trưởng ban Quân báo Liên tỉnh Thủ - Biên, Phó Chính ủy kiêm Bí thư Trung đoàn 556, Sư đoàn 330 Đông Nam Bộ. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (20-7-1954), đồng chí Trần Văn Danh tập kết ra miền Bắc học nghiệp vụ tình báo, an ninh để chuẩn bị trở về miền Nam chiến đấu.
Tháng 12-1960, đồng chí là một trong những cán bộ quân sự đầu tiên nhận lệnh vượt Trường Sơn về miền Nam. Lúc này, lực lượng tình báo của ta bị tổn thất rất nặng. Chính quyền Ngô Đình Diệm với chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” đã triệt phá, bắn giết và bỏ tù hàng loạt cán bộ tình báo. Công việc cấp bách lúc này là củng cố và xây dựng lại lực lượng tình báo chiến lược và mạng lưới cơ sở. Trung ương Cục miền Nam thành lập Ban Quân sự Miền, do đồng chí Trần Văn Quang làm Trưởng ban. Đồng chí Trần Văn Danh làm Trưởng ban Tình báo chiến lược trực thuộc Ban Quân sự Miền. Đồng chí tiến hành xây dựng lại ngành Tình báo cách mạng, tuyển chọn cán bộ từ Ban Địch tình đã tan rã sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Lợi dụng mâu thuẫn nội bộ của chính quyền và quân đội Sài Gòn, đồng chí chỉ đạo giải cứu các cán bộ tình báo đang bị giam cầm, tuyển chọn cán bộ tình báo mới, bố trí hoạt động trở lại, tổ chức “cài cắm” sâu vào các cơ quan đầu não của Mỹ, ngụy. Đồng chí Trần Văn Danh là người có công lớn trong việc tổ chức giải cứu đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương) - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban An ninh T4 giai đoạn 1972-1975.
Tháng 6-1965, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Cục phó Cục Tham mưu Miền, phụ trách Phòng Quân báo, là cơ quan tham mưu địch tình cấp chiến lược, chiến dịch các chiến trường trọng điểm bao gồm các quân khu 6, 7, 8, 9, 10 và Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Đồng chí đã tuyển chọn những cán bộ tình báo giỏi từ Ban Địch tình, cài cắm vào Phủ Tổng thống, Bộ Tổng Tham mưu, Đặc ủy Trung ương tình báo ngụ y. Các cán bộ tình báo đã thu thập, khai thác được nhiều thông tin tối mật của chính quyền Sài Gòn và CIA Mỹ, kịp thời cung cấp cho Trung ương Cục miền Nam, Bộ Chỉ huy Miền nhiều tài liệu, thông tin quan trọng của địch như kế hoạch Mắcca, kế hoạch Hắckin, kế hoạch Mắc Namara, kế hoạch bình định, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, các âm mưu chuyển hướng chiến lược chiến tranh của địch, Kế hoạch quân sự Vùng 4, Kế hoạch quân sự toàn miền Nam, dự thảo kế hoạch năm 1975, kế hoạch dài hạn 1974-1975, dự kiến kế hoạch 1977-1978, báo cáo viện trợ của đế quốc Mỹ, kế hoạch xây dựng không quân, hải quân ngụy… Từ nguồn tin Ban Tình báo chiến lược đã thu thập, khai thác được đã phục vụ đắc lực cho việc chỉ đạo chiến trường của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền, Trung ương Cục và Bộ Chính trị Trung ương Đảng.
Trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” năm 1965, quân đội Mỹ và chư hầu đưa quân vào miền Nam, đẩy cường độ xâm lược lên cao chưa từng có. Trận càn Gianxơn Xity vào căn cứ địa phía Bắc Tây Ninh là cuộc hành quân trên bộ lớn nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, với 45.000 quân, 775 xe tăng - thiết giáp, 160 máy bay các loại, 256 khẩu đại bác gồm 2 sư đoàn, 3 lữ đoàn, 1 trung đoàn tăng và 1 liên đoàn biệt động quân Sài Gòn. Từ công tác tình báo, quân báo, đồng chí Trần Văn Danh nắm chắc các kế hoạch, âm mưu của địch, báo cáo cho lãnh đạo Trung ương Cục chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, di chuyển lực lượng, bảo đảm an toàn và bày thế trận đánh địch, làm thất bại mưu đồ xâm lược và tỏ rõ sức mạnh của lực lượng quân sự của ta ngay từ ngày đầu tiên quân Mỹ đặt chân vào đất Việt Nam. Là Tham mưu phó phụ trách tình báo, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), đồng chí Trần Văn Danh đã chỉ đạo, tổ chức nắm tình hình các mục tiêu quan trọng như: Dinh Độc Lập, Đài phát thanh Sài Gòn, Biệt khu Thủ đô, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất... chỉ đạo thực hiện cách đánh phối hợp tình báo - đặc công - biệt động đạt hiệu quả cao. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh sang Lào và Campuchia, Quân giải phóng miền Nam triển khai các hoạt động tiếp viện cho chiến trường nước bạn Campuchia, đồng thời bảo vệ “hậu cứ” sau lưng căn cứ địa Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí đã chỉ đạo Đoàn 367 trực thuộc Cục Tham mưu Miền tổ chức thành công trận đánh tập kích vào sân bay Pôchentông, phá hủy 105 máy bay các loại, gần 100 ô tô và toàn bộ thiết bị, khí tài quân sự của sân bay, hơn 95% máy bay và phi công của quân Lonnon bị tiêu diệt.
Đầu năm 1973, đồng chí được cử làm Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên Trung ương vào Trại Đavít Tân Sơn Nhất thực thi Hiệp định Pari. Đến Chiến dịch Phước Long (từ đêm 13-12-1974 đến 6-1-1975), đồng chí lại được giao nhiệm vụ chỉ huy trận đánh chiếm núi Bà Đen ở Tây Ninh, một trung tâm viễn thông chiến lược quốc tế, thu tin mã thám và là điểm chỉ đường cho máy bay B-52 cùng các loại máy bay của địch. Lực lượng do đồng chí chỉ huy còn thu hút hỏa lực của Lữ đoàn biệt kích dù 81 của ngụy, kiềm chế Sư đoàn bộ binh 25 ngụy; ngăn chặn không cho địch yểm trợ Phước Long khi ta tiến công. Chiến dịch Phước Long là chiến dịch mà lần đầu tiên ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh, lại ở ngay gần Sài Gòn, qua đó thăm dò chiến lược khả năng của quân ngụy và giúp ta phát hiện rằng đế quốc Mỹ không dám đưa quân can thiệp trở lại Việt Nam.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4-1975 - 30-4-1975), đồng chí được giao chỉ huy lực lượng đặc công, biệt động bí mật chiếm giữ, bảo vệ an toàn 16 cây cầu dẫn vào thành phố Sài Gòn, mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng thành phố; chỉ đạo lực lượng nội đô ngăn chặn địch phá hoại những mục tiêu quan trọng như: Đài phát thanh, kho xăng, nhà máy điện, nhà máy cấp nước, kho tàng, hồ sơ lưu trữ. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Văn Danh, các chiến sĩ tình báo, đặc công, biệt động thành đã anh dũng, mưu trí, táo bạo làm chủ và bảo vệ an toàn các mục tiêu. Nhiều chiến sĩ biệt động, đặc công đã ngã xuống để bảo vệ an toàn cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu…
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thiếu tướng Du Trường Giang, Phó Tư lệnh Quân khu trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho đại diện gia đình đồng chí Trần Văn Danh (năm 2022).
Năm 1976, đồng chí là Phó Tư lệnh Quân khu 7 và được cử đi học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đến năm 1978, đồng chí chuyển ngành, giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Thứ trưởng Bộ Điện lực Việt Nam. Trên cương vị Thứ trưởng Bộ Điện lực Việt Nam, đồng chí là người đề ra phương án và trực tiếp chỉ đạo xây dựng Nhà máy Thủy điện Trị An theo phương châm “Nhân dân - Nhà nước cùng làm”. Đây là công trình quan trọng, giúp Thành phố Hồ Chí Minh khắc phục tình trạng thiếu điện trong quá trình công nghiệp hóa.
Năm 1999, đồng chí nghỉ hưu. Năm 2002, đồng chí từ trần ở tuổi 79. Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1990 và nhiều phần thưởng cao quý khác như: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì… Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tên của đồng chí Trần Văn Danh được đặt cho con đường tại Phường 13, quận Tân Bình. Tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, có Trường Tiểu học Trần Văn Danh.