Hình minh họa
Vingroup đăng ký thực hiện dự án hơn 35.000 tỷ đồng tại huyện Đông Anh
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội vừa mở hồ sơ đăng ký lần 2 thực hiện Dự án Khu đô thị thông minh - sinh thái tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, huyện Đông Anh.
Theo đó, trong 2 lần mở hồ sơ vẫn chỉ có nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký là Liên danh Tập đoàn Vingroup - Công ty CP Đầu tư và Phát triển thương mại Long Hải - Công ty CP Đầu tư xây dựng Thái Sơn (lần 1 mở hồ sơ đăng ký ngày 28/6/2024).
Dự án Khu đô thị thông minh - sinh thái tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, huyện Đông Anh được thực hiện trên khu đất 268ha, với chi phí đầu tư xây dựng dự kiến 33.093 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 2.090 tỷ đồng.
Dự kiến, dự án được đầu tư xây dựng và hoàn thành vào năm 2031, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 38.500 người. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao, cho thuê đất. Tiến độ thực hiện đến hết năm 2031.
Dự án được thực hiện với mục tiêu xây dựng khu đô thị sinh thái, văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Dự án nằm trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, cũng như quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.
Chính phủ chỉ đạo NHNN đưa ra gói lãi suất 0 đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của bão Yagi
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng... và Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình.
Ngày 15/9, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Nhóm các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh là một trong 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ khi phát biểu kết thúc hội nghị.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa; điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...
Đối với ngành Ngân hàng, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng;...
Tuyến đường nối quốc lộ, cảng biển với khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Bình Định đang làm tới đâu?
Báo Bình Định đưa tin, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng mới đây đã tiến hành kiểm tra tình hình thi công dự án tuyến đường nối từ QL 19 đến khu công nghiệp (KCN) Becamex VSIP Bình Định và đến Cảng Quy Nhơn.
Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) giao thông tỉnh Bình Định, tuyến đường dài 19,5 km với tổng vốn đầu tư hơn 1.163 tỷ đồng. Hiện, đoạn đường chính qua huyện Vân Canh dài 5 km đã hoàn tất việc bồi thường và giải phóng mặt bằng.
Tại xã Nhơn Tân, TX An Nhơn, đoạn chính dài 8 km đã được phê duyệt 9 đợt bồi thường cho 149 hộ với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Địa phương đã bàn giao cho đơn vị thi công 7,94 km, còn vướng 2 hộ dân và 1 tổ chức.
Trong buổi kiểm tra, 2 hộ dân đã đồng ý phương án bồi thường và sẽ bàn giao mặt bằng. Đoạn nhánh bổ sung kết nối với tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn dài 2,2 km, ảnh hưởng 38 hộ dân và 2 tổ chức. TX An Nhơn đã phê duyệt 4 phương án bồi thường cho 64 hộ và 1 tổ chức với số tiền gần 8,2 tỷ đồng và đã chi trả 61 hộ, tổng giá trị 5,75 tỷ đồng, hiện còn vướng 6 hộ và 1 doanh nghiệp.
Thái Bình sắp có thêm khu công nghiệp gần 2.000 tỷ đồng
Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hưng Phú được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời cũng chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần Khu công nghiệp Geleximco Hưng Phú.
Dự án sẽ triển khai tại xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với tổng vốn đầu tư 1.939,641 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 300 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Thái Bình chịu trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; sự phù hợp của dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý, sử dụng phần diện tích quy hoạch phát triển khu công nghiệp Hưng Phú còn lại (5,92 ha).
Hoàng An