Chiến sĩ dùng bom ba càng sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trong những ngày Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội.
Tháng 1/1946, Trung ương Quân ủy được thành lập. Tiếp đó, cấp ủy Đảng trong bộ đội chủ lực chiến khu được tổ chức, việc xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên được đẩy mạnh ở các đơn vị bộ đội chủ lực. Trước sự phát triển về quân số, để thống nhất tổ chức biên chế bộ đội chủ lực, ngày 22/3/1946, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 33/SL, quy định về tổ chức biên chế, cấp bậc, quân phục, phù hiệu của lực lượng lục quân. Các đơn vị lục quân tổ chức thành hàng đội (tiểu đội, trung đội, đại đội) và hàng đoàn (tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn, sư đoàn, liên đoàn, tập đoàn), bao gồm các cấp bậc binh (2 cấp), sĩ (3 cấp), úy (3 cấp), tá (3 cấp), tướng (3 cấp).
Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71/SL, chuyển Vệ quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Kèm theo sắc lệnh có bản quy tắc (62 điều), trong đó từ điều 1 đến điều 9 quy định tổ chức biên chế bộ đội chủ lực thống nhất từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn đến đại đoàn, sư đoàn, liên đoàn, tập đoàn của bộ binh; các đơn vị chuyên môn và hỏa lực trợ chiến. Theo đó, các chi đội ở Bắc Bộ, Trung Bộ được tổ chức thành đơn vị cấp trung đoàn (32 trung đoàn) và tiểu đoàn độc lập. Riêng Nam Bộ, do chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt nên vẫn giữ nguyên hình thức tổ chức cấp chi đội (25 chi đội).
Trên cơ sở các trung đoàn, giữa năm 1946, ở Bắc Bộ tổ chức Đại đoàn 1 và Đại đoàn 2; Nam Trung Bộ tổ chức các Đại đoàn 23, 27 và 31. Tuy vậy, các đơn vị được gọi là đại đoàn chỉ mang tính hình thức tổ chức, còn trang bị, vũ khí, đặc biệt là trình độ tác chiến hạn chế, hơn nữa, công tác bảo đảm khó đáp ứng xây dựng lâu dài. Sớm nhận thức được cách tổ chức đó chưa phù hợp, tháng 11/1946, ta giải thể các đại đoàn ở Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và từng bước khắc phục hạn chế, tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức đơn vị chủ lực cấp đại đoàn cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu duy trì và phát triển của cuộc kháng chiến. Lúc này, tổ chức cao nhất của bộ đội chủ lực ở miền Bắc là cấp trung đoàn (gồm 27 trung đoàn) và miền Nam vẫn giữ nguyên tổ chức chi đội (gồm 25 chi đội).
Cùng với việc xây dựng tổ chức biên chế, công tác huấn luyện quân sự cho bộ đội chủ lực được coi trọng nhằm nâng cao trình độ, khả năng chiến đấu. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ cần khẩn trương đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự đủ về số lượng, tốt về chất lượng. Thực hiện chủ trương đó, các Trường: Quân chính Bắc Sơn, Võ bị Trần Quốc Tuấn, Lục quân Trung học Quảng Ngãi, cùng những trường quân chính của các chiến khu được thành lập. Đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến, các trường đã đào tạo được hàng nghìn cán bộ, đáp ứng yêu cầu của đơn vị bộ đội chủ lực.
Trước tình hình thực dân Pháp tiến hành kế hoạch mở rộng chiến tranh xâm lược trên diện rộng, ngày 13/12/1946, Trung ương Quân ủy triệu tập hội nghị các khu trưởng từ Khu 4 trở ra, giao nhiệm vụ tác chiến cho bộ đội chủ lực các chiến khu tích cực, chủ động phối hợp với tự vệ chiến đấu, tự vệ thành tiến công tiêu diệt, giam chân địch tại các đô thị, tạo điều kiện cho cả nước bước vào trường kỳ kháng chiến. Các lực lượng bộ đội chủ lực của Chiến khu 5, Nam Trung Bộ và Nam Bộ tích cực tiến công địch, buộc chúng không thể đưa quân tăng viện ra miền Bắc.
Để chuẩn bị cho Toàn quốc kháng chiến, với tầm nhìn chiến lược, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng lực lượng bộ đội chủ lực với những kết quả bước đầu quan trọng, nhất là phát triển về quân số, quy mô, tổ chức biên chế và được huấn luyện cơ bản kỹ thuật, chiến thuật. Dù mới được xây dựng, trang bị, vũ khí còn thô sơ và kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, nhưng bộ đội chủ lực được bố trí phù hợp ở các chiến khu và có tinh thần chiến đấu cao, phối hợp với các lực lượng tại chỗ và toàn dân quyết tâm chiến đấu, mở đầu Toàn quốc kháng chiến, bảo vệ vững chắc nền độc lập vừa mới giành được.